World Bank: Châu Á sắp đối mặt triển vọng kinh tế tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ
World Bank dự kiến quá trình phục hồi chậm chạp sau đại dịch, khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc và chính sách thương mại của Mỹ sẽ cản trở tăng trưởng của các nước đang phát triển ở châu Á trong năm 2024.
Ảnh hưởng của Trung Quốc
Trong báo cáo mới nhất, World Bank đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc. Cơ quan này còn cảnh báo các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á sẽ tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 5 thập kỷ. Các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế bao gồm các chính sách mới của Mỹ và nợ nần của các nước trong khu vực.
Dự báo bi quan thể hiện rõ lo ngại của World Bank về sự giảm tốc của Trung Quốc và ảnh hưởng đến các nước châu Á khác. World Bank chỉ ra một loạt chỉ báo thể hiện sự yếu ớt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hiện, Cơ quan này kỳ vọng GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,4% trong năm 2022, thấp hơn ước tính 4,8% đưa ra hồi tháng 4.
Wolrd Bank cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á và khu vực Thái Bình Dương (bao gồm Việt Nam và Trung Quốc) xuống còn 4,5%, giảm 0,3 điểm % so với dự đoán hồi tháng 4.
Dự báo trên đồng nghĩa với việc khu vực này sẽ ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ cuối thập niên 1960, nếu không tính đến những sự kiện bất thường như đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và cú sốc dầu mỏ toàn cầu vào những năm 1970.
Theo World Bank, các chỉ báo cho thấy cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc không được như kỳ vọng khi doanh số bán lẻ thấp hơn mức trước đại dịch, giá nhà trì trệ, nợ của các hộ gia đình gia tăng và đầu tư của khu vực tư nhân tụt hậu so với trước.
Ông Aaditya Mattoo, kinh tế trưởng tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của World Bank, cảnh báo rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục trì trệ trừ khi các nước tiến hành các cải cách lĩnh vực dịch vụ “sâu sắc hơn”.
Tuy nhiên, đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển ở châu Á, việc chuyển đổi khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và bất động sản là một thách thức khó khăn.
Vị kinh tế trưởng cho biết: “Các nước châu Á đã đạt được thành công lớn thông qua thương mại và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Chìa khóa cho tăng trưởng trong giai đoạn tới là cải cách khu vực dịch vụ để khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Bất lợi từ Mỹ
Nhu cầu hàng hóa của thế giới suy yếu cũng đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế trong khu vực. Tờ Financial Times (FT) cho biết so với quý II/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và Trung Quốc đã giảm hơn 10%, của Indonesia và Malaysia mất hơn 20%.
Nợ của các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ gia tăng cũng đè nặng triển vọng tăng trưởng. Thêm nữa, nhiều quốc gia trong khu vực cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi các chính sách thương mại và công nhiệp mới của Mỹ theo Đạo Luật Giảm Lạm phát cũng như Đạo luật Chips.
Trong những năm qua, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với các mức thuế quan mà Washington áp đặt lên Bắc Kinh, đã đem lại lợi ích cho các nước Đông Nam Á. Doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam, để nhập khẩu hàng hóa.
Hai đạo luật mới được Washington thiết kế để tăng cường hoạt động sản xuất tại Mỹ và giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng cũng ảnh hưởng đến các nước Đông Nam Á.
Theo World Bank, xuất khẩu sản phẩm điện tử và máy móc từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia, đã sụt giảm sau khi các chính sách của Tổng thống Joe Biden bắt đầu có hiệu lực.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ đã giảm 19,1% trong 8 tháng đầu năm nay, trái ngược với mức tăng 13,6% vào năm 2022. Để so sánh, thương mại của Mỹ với các quốc gia như Mexico và Canada không giảm.