World Bank dự báo kinh tế Việt Nam tăng 5,5% năm 2024 và lên 6,0% vào năm 2025
Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo kinh tế Việt Nam đang có những tín hiệu phục hồi khác nhau, với dự báo tăng trưởng năm 2024 sẽ đạt 5,5% và tăng dần lên 6,0% vào năm 2025.
Cụ thể, báo cáo “Điểm lại - Cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam” ấn bản tháng 4/2024 của WB tại Việt Nam ngày 23/4 đã chỉ ra xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng trên đà tăng dần. Xuất khẩu thực tế dự kiến sẽ tăng 3,5% vào năm 2024, phản ánh sự cải thiện dần dần nhu cầu toàn cầu. Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản dự báo phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay và năm sau, thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng dần lấy lại niềm tin. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa để củng cố sự phục hồi, báo cáo khuyến nghị đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi nguồn lực công. Điều này sẽ giúp kích thích nền kinh tế hơn nữa, với tiềm năng tăng trưởng GDP là 0,1% cho mỗi mức tăng 1% trong đầu tư công tính theo tỷ lệ GDP. Trong khi đó, về chính sách tiền tệ, dư địa cho việc cắt giảm lãi suất thêm nữa bị hạn chế do chênh lệch lãi suất giữa thị trường trong nước và quốc tế. Theo báo cáo, cùng với việc thu ngân sách có khả năng còn tiếp tục yếu trong khi chi tiêu công được đẩy mạnh, bao gồm tăng lương cho công chức theo kế hoạch và đẩy nhanh đầu tư công, thâm hụt ngân sách dự kiến sẽ tăng lên 1,6% GDP vào năm 2024, trước khi giảm xuống 1,1% vào năm 2025, phù hợp với Chiến lược Tài khóa giai đoạn 2021-2030. Báo cáo đồng thời nhận định đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính vẫn là điều quan trọng nhất, trong đó tập trung quản lý rủi ro tiềm ẩn liên quan đến nợ xấu gia tăng, bao gồm cả nguyên nhân do giá trị tài sản giảm trên thị trường bất động sản. Vùng đệm vốn của các ngân hàng thương mại hiện tương đối mỏng và sự suy giảm của thị trường bất động sản có thể khiến nguồn vốn của các ngân hàng này sụt giảm thêm.
Ông Sebastian Eckardt, Giám đốc Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới về Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho biết “đầu tư vào các dự án hạ tầng công tạo ra nhiều lợi ích lâu dài bên cạnh việc kích thích kinh tế ngay lập tức. Những nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những điểm nghẽn cơ sở hạ tầng quan trọng về năng lượng, giao thông và hậu cần, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.” Chuyên đề đặc biệt của báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam. Báo cáo nhấn mạnh sự cần thiết phải có một môi trường thuận lợi hơn vì các rào cản cơ cấu quan trọng vẫn tồn tại ở các lĩnh vực. Chúng bao gồm các rào cản pháp lý, tình trạng thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu. Để nuôi dưỡng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam có thể đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng (Chương trình 844) theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước; nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm và hỗ trợ phát triển ý tưởng. Đặc biệt, Việt Nam cần đơn giản hóa các quy định, đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập. Tạo điều kiện cho các trường Đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (mô hình hợp tác công tư). Báo cáo cũng nêu rõ, khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Tích cực khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa; xây dựng năng lực của các trường Đại học và tổ chức nghiên cứu, để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp.