World Cup 1950: Maracanazo - Cái kết đắng nhất lịch sử túc cầu
Xây sân vận động lớn nhất thế giới để đăng cai và sẵn sàng đăng quang cúp vô địch thế giới, rốt cuộc ĐT Brazil lừng lẫy phải nhận cái kết đắng nhất lịch sử túc cầu.
Đệ nhị Thế chiến khiến World Cup không thể diễn ra theo đúng định kỳ 4 năm 1 lần. Giải bóng đá vô địch thế giới đã bị gián đoạn vào các năm 1942 và 1946. Trái bóng World Cup chỉ lăn trở lại vào năm 1950 tại Brazil, quốc gia nếu nhận đứng thứ hai về đam mê bóng đá thì không ai dám đứng nhất. Như người ta vẫn ví von, mỗi khu phố ở xứ sở samba là có thể lập ra một đội bóng.
Với tài nguyên tiềm năng to lớn như vậy, người Brazil luôn khao khát bước lên đỉnh cao nhất của xứ sở túc cầu, thậm chí còn xuất hiện thuật ngữ ufanims để mô tả sự tự huyễn về khả năng thống trị bóng đá của đất nước này. Sự tự huyễn ấy được thể hiện qua việc Brazil xây dựng Maracana, sân bóng lớn nhất hành tinh.
Để thể hiện tầm vóc vượt trội của World Cup 1950 đồng thời sẵn sàng cho ngày đăng quang của Selecao, Maracana được khánh thành với sức chứa lên tới 183.000 khán giả, nhiều hơn 43.000 chỗ ngồi so với Hampden Park tại Glasgow, sân bóng lớn nhất thế giới trước đó. Sân bóng vĩ cuồng này bắt đầu xây dựng từ năm 1948, chỉ trong 1 năm rưỡi đã hoàn thành, và huy động tới 10.000 nhân công. Thế nên Maracana còn được ví như kim tự tháp thời hiện tại của thế giới bóng đá.
World Cup 1950 chỉ quy tụ 13 đội bóng do Ấn Độ, Scotland và Thổ Nhĩ Kỳ xin rút dù giành vé tham dự. Trong đó có giai thoại đội tuyển Ấn Độ từ chối thi đấu vì không được chơi bóng bằng chân trần. Thực tế đúng là FIFA có thông báo với LĐBĐ Ấn Độ rằng đội tuyển quốc gia nước này sẽ không được thi đấu tại World Cup 1950 nếu không mang giày. Lý do ở Thế vận hội mùa hè 1948 tại London, Anh, đội tuyển Ấn Độ khiến khán giã ngỡ ngàng khi các tuyển thủ đều không đi giày, hầu hết đá bóng bằng chân đất và một số… mặc tất.
Tuy nhiên, nguyên nhân khiến đội tuyển Ấn Độ từ chối tham dự World Cup 1950 là kinh phí và việc LĐBĐ nước này không đánh giá cao tầm quan trọng của giải đấu. Nên nhớ vào những năm giữa của thế kỷ trước, việc di chuyển từ châu Á sang Nam Mỹ không hề đơn giản. Thực tế tại vòng loại khu vực châu Á, Ấn Độ nghiễm nhiên có vé vì 3 đội tuyển là Philippines, Indonesia và Myanmar đều chủ động xin rút.
Trở lại với World Cup 1950, đây là giải vô địch bóng đá thế giới duy nhất không có vòng đấu loại trực tiếp. 13 đội được chia làm 4 bảng, 2 bảng 4 đội, 1 bảng 3 đội, 1 bảng 2 đội, thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm để chọn ra 4 đội đầu bảng vào vòng chung kết, vẫn thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm.
Uruguay may mắn nằm ở bảng 2 đội, với đối thủ duy nhất là Bolivia. Với đẳng cấp vượt trội, nhà vô địch World Cup 1930 dễ dàng đè bẹp đối thủ với tỷ số 8-0. 3 đội bóng còn lại giành vé vào vòng chung kết là chủ nhà Brazil, dĩ nhiên, cùng hai đại diện đến từ châu Âu là Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Không chỉ có lợi thế sân nhà, đội tuyển Brazil còn đem đến những màn trình diễn tạo cảm giác bất khả chiến bại. Tại vòng chung kết, Selecao lần lượt hủy diệt Thụy Điển với tỷ số 7-1 và Tây Ban Nha với tỷ số 6-1. Thứ bóng đá đẹp mắt của đội chủ nhà khiến các cây bút đến từ Âu châu phải vận dụng mọi mỹ từ để tán tụng. Tờ Gazetta Dello Sport của Italia đã miêu tả ngôi sao Zizinho như Leonardo da Vinci, người tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng đôi chân trên tấm bạt khổng lồ Maracana.
Sự hưng phấn của người dân xứ sở samba được đẩy lên đến tột đỉnh khi Brazil gặp Uruguay ở trận đấu cuối cùng với tính chất chẳng khác nào trận chung kết. Bởi lẽ trước vòng cuối, Uruguay chính là đội xếp thứ hai với 3 điểm, bằng trận hòa Tây Ban Nha 2-2 và chiến thắng 3-2 trước Thụy Điển.
Ở trận “chung kết”, Brazil chỉ cần một trận hòa là đủ để đăng quang. Truyền thông đất nước này tự tin tới nỗi soạn sẵn bài vở cho chức vô địch thế giới đầu tiên. Một ngày trước trận đấu, tờ Gazeta Esportiva giật tít: “Chúng ta sẽ đánh bại Urguay vào ngày mai!” còn tờ O Mundo đưa hình các tuyển thủ cùng dòng chú thích: “Đây! Những nhà vô địch thế giới”.
“Ngày mai” rồi cũng đến, cả đất nước dừng mọi hoạt động để ngóng đợi tin chiến thắng của những nhà vô địch thế giới truyền thanh trực tiếp từ Maracana, nơi ghi nhận 173.850 vé được bán ra và có hơn 200.000 người có mặt trên sân.
Hiệp 1 không bàn thắng nào được ghi. Nhưng chỉ 2 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu, Friaca ghi bàn mở tỷ số cho đội chủ nhà. Thánh địa Maracana như muốn nổ tung. Chức vô địch thế giới đến gần với người Brazil hơn bao giờ hết. 16 phút sau, Uruguay quân bình tỷ số. Varela tỉa bóng cho Gighia bên cánh phải, Gigghia lừa bóng qua Bigode rồi căng ngang cho Schiaffino dứt điểm cận thành tung lưới thủ môn Barbosa.
Tuy nhiên với kết quả này, Selecao vẫn là đội đăng quang. Thảm kịch chỉ đến vào phút 79. 16h33 phút theo giờ địa phương, Gighia lại lừa bóng qua Bigode nhưng lần này ông xộc thẳng vào vòng cấm và tung cú sút chéo góc thay vì căng ngang như trong bàn gỡ hòa của Uruguay. Bóng từ chân Gighia găm vào góc xa, dội cột dọc trước khi lăn vào lưới. Barbosa bay người hết cỡ nhưng không thể cản phá.
Trên đài phát thanh của Globo, bình luận viên Luiz Mendes vô thức thốt lên: “Bàn thắng cho Uruguay”. Ông lặp lại với vẻ hoài nghi: “Bàn thắng cho Uruguay?”. Và cuối cùng tự trả lời: “Bàn thắng cho Uruguay”. Luiz Mendes lặp lại cụm từ ấy 3 lần, mỗi lần một ngữ điệu, từ ngạc nhiên, cam chịu và bàng hoàng.
Maracana như chết lặng. Đất nước Brazil như chết lặng. Bàn thắng ấy chia đôi cảm xúc của người dân xứ sở samba. Không khí tang tóc bao trùm đất nước. Báo chí đưa tin đã có 3 người hâm mộ đột quỵ vì sốc khi nghe tường thuật bàn thắng của Uruguay qua radio. Hoặc như tác gia Nelson Rodrigues miêu tả sống động: “Mỗi quốc gia đều có một thảm họa lịch sử, như vụ Hiroshima của Nhật Bản vậy. Với Brazil, thảm họa ấy chính là World Cup 1950”.
Barbosa, thủ thành đội tuyển Brazil dính án “chung thân” vì tội thủng lưới 2 bàn. Cả đời ông sống trong sự xua đuổi và khinh miệt. “Kẻ giết người dã man nhất ở Brazil cũng chỉ phải chịu mức án tối đa 30 năm tù. Riêng tôi chịu án chung thân, dù chẳng có tội gì”, chính ông cay đắng thốt lên. Còn người hùng Gighia tự đắc: “Chỉ có 3 người khiến Maracana câm lặng. Giáo hoàng John Paul II, Frank Sinatra và tôi!”.