World Cup 2022 giúp ích cho ngoại giao Qatar

Trước lúc trận đấu Argentina - Ả Rập Saudi bắt đầu, truyền thông ghi nhận hình ảnh Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani vẫy cờ Ả Rập Saudi rồi quấn nó quanh cổ.

Đây được cho là hành động đáp lễ việc Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman quàng khăn World Cup của Qatar dự lễ khai mạc ngày hội bóng đá. Trước đó vị thái tử này chỉ đạo tất cả bộ ngành Ả Rập Saudi “cung cấp bất cứ hỗ trợ lẫn cơ sở nào mà Qatar cần”.

Quốc vương Dubai, Phó tổng thống kiêm Thủ tướng Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum cũng dự lễ khai mạc và ca ngợi World Cup 2022 là “thành tích của Qatar, niềm tự hào của vùng Vịnh và cột mốc lịch sử với tất cả người Ả Rập”.

Tiểu vương Qatar vẫy cờ Ả Rập Saudi rồi quàng quanh cổ - Ảnh: Twitter

Tiểu vương Qatar vẫy cờ Ả Rập Saudi rồi quàng quanh cổ - Ảnh: Twitter

Loạt động thái trên trái ngược hoàn toàn tình hình trước đây. Đầu năm 2021, Qatar bước vào năm thứ 4 bị Ả Rập Saudi, UAE cùng 4 quốc gia Ả Rập khác phong tỏa biên giới trên bộ, trên biển lẫn trên không. Thái tử bin Salman thậm chí từng đề xuất cô lập Qatar khỏi lục địa bằng một con mương chứa đầy chất thải phóng xạ.

Ả Rập Saudi, UAE cùng 4 quốc gia Ả Rập thực hiện cuộc phong tỏa (được Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ) với lý do Qatar quá thân thiết với Iran và các đối thủ. Động thái này khiến Qatar hoang mang vì nguy cơ thiếu lương thực và xảy ra đảo chính.

Nhưng họ vượt qua khủng hoảng nhờ đồng minh như Thổ Nhĩ Kỳ cùng việc ông Joe Biden đắc cử nên ủng hộ của Mỹ dành cho cuộc phong tỏa không còn. Tháng 1.2021, Qatar - Ả Rập Saudi ký tuyên bố chấm dứt phong tỏa và khôi phục quan hệ ngoại giao giữa tất cả các bên.

Sau đó một loạt cuộc gặp giữa giới lãnh đạo Qatar với người đồng cấp Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác mở đường cho cảnh đoàn kết vừa được thể hiện ở World Cup 2022.

Lý do từ thù thành bạn

Tiến sĩ Kristian Ulrichsen (Viện Nghiên cứu Baker) cho biết các bên đang theo đuổi cách tiếp cận thực dụng hơn vì không có bên chiến thắng rõ ràng trong đụng độ chính trị vùng Vịnh.

“Ở mức độ nào đó thì ai cũng thua, vì vậy tiếp tục đối đầu chẳng hợp lý tý nào cả. Và đại dịch cho thấy có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cấp bách hơn”, theo tiến sĩ Ulrichsen.

Giáo sư Mahfoud Amara (Đại học Qatar) bổ sung rằng các quốc gia vùng Vịnh nhìn ra lợi ích World Cup đem lại cho khu vực. Điều này đóng vai trò động cơ thúc đẩy chấm dứt tình trạng thù địch.

Hợp tác vùng Vịnh sâu rộng hơn cơ hội chụp ảnh giữa giới lãnh đạo. UAE, Ả Rập Saudi nới lỏng yêu cầu thị thực với người có thẻ Hayya (do chính phủ Qatar cấp để nhập cảnh nhiều lần mà không cần thị thực, miễn phí sử dụng phương tiện công cộng suốt thời gian World Cup diễn ra). Dubai cũng tổ chức nhiều chuyến bay đưa cổ động viên sang Doha xem thi đấu.

Tất cả đều hưởng lợi. Ngành du lịch quan trọng với UAE bị đại dịch ảnh hưởng nặng nề giờ đây đón lượng lớn du khách.

Thái tử Ả Rập Saudi (trái) được Tiểu vương Qatar đón tiếp nồng hậu khi sang dự lễ khai mạc World Cup - Ảnh: Reuters

Thái tử Ả Rập Saudi (trái) được Tiểu vương Qatar đón tiếp nồng hậu khi sang dự lễ khai mạc World Cup - Ảnh: Reuters

Lợi ích to lớn từ World Cup cho Ả Rập Saudi cũng rất rõ ràng: nước này đang đi theo con đường dần mở cửa với thế giới, tìm cách thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Áp phích lễ hội văn hóa Riyadh Season đã được dán khắp Doha cũng như được tiền đạo người Ai Cập Mohammed Salah (cầu thủ bóng đá nổi tiếng nhất thế giới Ả Rập) quảng bá.

Góp phần cho quá trình cải thiện quan hệ còn có niềm tự hào thế giới Ả Rập lần đầu tiên đăng cai giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Làn sóng chỉ trích Qatar về vấn đề nhân quyền của phương Tây càng khiến thế giới Ả Rập đoàn kết hơn.

Nhà phân tích chính trị Abdullah Babood (sống tại Oman) cho biết: “Chắc chắc việc một quốc gia Ả Rập nhỏ ở Trung Đông tổ chức thành công World Cup sẽ được xem như thành công với toàn khu vực. Điều này giúp ích cho quá trình giảm leo thang xung đột, thúc đẩy hòa giải và đoàn kết”.

Hàng chục nghìn cổ động viên Ả Rập Saudi đã đến Qatar xem bóng đá. Một số công dân Ả Rập Saudi còn đăng ký làm tình nguyện viên World Cup khi các trang web của Qatar vẫn còn bị cấm ở nước họ.

Tại Qatar còn có cổ động viên Lebanon, Ai Cập, Palestine, Morocco, Tunisia. Cờ Palestine xuất hiện cùng lệnh cấm thức uống có cồn càng đem lại cảm giác về một sự quốc tế mang màu sắc Ả Rập đậm nét hơn nữa.

Giáo sư Amara gợi ý World Cup có thể là nền tảng để xây dựng tương lai hài hòa cho một khu vực đầy xung đột. Ông cũng lưu ý đến tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, du lịch, thể thao giữa Qatar với Ả Rập Saudi.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/world-cup-2022-giup-ich-cho-ngoai-giao-qatar-190035.html