World Cup nữ 2023: VAR và những điều mới mẻ mà đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam sẽ trải nghiệm

Giải đấu tổ chức tại Australia và New Zealand sẽ được đổi mới theo nhiều cách, bao gồm cả công nghệ trọng tài. Đầu tiên là số đội bóng lần đầu tiên tăng đến 32 đội, nhiều trận đấu hơn và sẽ cần nhiều hơn các trọng tài. Kế đến, lần đầu tiên trong lịch sử World Cup, giải đấu diễn ra trên 2 quốc gia thuộc 2 liên đoàn bóng đá khác nhau (Australia thuộc AFC còn New Zealand là Châu Đại Dương).

Theo thông báo của Ủy ban trọng tài FIFA, 33 trọng tài, 55 trợ lý trọng tài và 19 thành viên của nhóm trọng tài VAR đến từ 6 Liên đoàn châu lục được gọi là FIFA Team One. Lần đầu tiên trong lịch sử 6 trọng tài nữ sẽ tham gia điều hành các trận đấu video (VMO). Đây là một phiên bản nâng cấp của VAR, được cho là “học theo” cách hệ thống mà giải bóng chày nhà nghề Mỹ áp dụng. Tức là khi VAR can thiệp vào trận đấu, thông báo cho trọng tài chính kiểm tra màn hình, thì cũng đồng thời thông báo cho khán giả về lý do xem xét tình huống. Nói cách khác, các trọng tài có trách nhiệm giải thích việc phải ngừng trận đấu. Đây là lần đầu tiên được áp dụng ở World Cup, giải đấu cao cấp nhất của FIFA.

Phát biểu hồi tháng 2, Pierluigi Collina, Chủ tịch ủy ban trọng tài của FIFA, cho biết: "Chúng tôi quyết định tiến hành thử nghiệm này vì nhận được một số yêu cầu từ người xem. Họ cần biết tại sao trọng tài thay đổi quyết định của mình, điều này tăng tính minh bạch cho trận đấu vì nếu không thông báo, sẽ có người nghi ngờ các quyết định cố ý của VAR. Ngoài ra, nó cũng giúp cho việc hiểu rõ luật bóng đá dễ hơn”. Ngoài VAR, tương tự Qatar 2022, các trọng tài sẽ còn được hỗ trợ bởi công nghệ bóng OCEANUZ (bán tự động), cung cấp dữ liệu chính xác theo thời gian thực để xác định các tình huống việt vị.

Hơn 10 ngày nữa World Cup nữ 2023 mới chính thức khởi tranh nhưng ngay thời điểm này, FIFA đã ghi nhận lượng phát hành vé kỷ lục, lên tới hơn 1 triệu. Đây là một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho sự phát triển của môn thể thao này. Giải vô địch bóng đá nữ thế giới đầu tiên được tổ chức vào năm 1991, 61 năm sau giải đấu nam đầu tiên vào năm 1930. Xét về so sánh tốc độ tăng trưởng, tổng số người tham dự giải đấu của nữ (ước tính từ 1,1 triệu đến 1,5 triệu) đang vượt xa bóng đá nam ở mốc 30 năm (800.000).

Tổng cộng 64 trận đấu sẽ được chơi trên 5 thành phố ở Australia và 4 ở New Zealand. Trận chung kết diễn ra tại sân vận động Olympic Sydney – Australia vào ngày 20-8. Theo chủ tịch FIFA, lượng vé trước World Cup 2023 đã vượt qua tổng vé đã phát hành ở Pháp 2019. Còn theo Yahoo, World Cup 2023 sẽ thu hút 2 tỷ lượt khán giả truyền hình, với phần lớn đến ở thị trường châu Á cũng như châu Mỹ, nơi Trung Quốc, Mỹ, Brazil chiếm phần lớn. Một lượng khán giả khổng lồ khác đến từ các quốc gia sẽ lần đầu tiên tham dự như Việt Nam, Philippines, Gambia hay Bồ Đào Nha.

Khác với bóng đá nam, World Cup nữ mang trên mình nhiều thông điệp xã hội hơn hẳn. FIFA hợp tác với một số cơ quan của Liên Hợp Quốc, sẽ đưa ra đến 8 chủ đề xã hội để qua các trận đấu quảng bá toàn thế giới, ví dụ như “Đoàn kết để Hòa nhập”, “Đoàn kết vì người bản địa”, “Đoàn kết để không còn nạn đói”, “Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ” …

Tổng thư ký FIFA Fatma Samoura cho biết: " Chúng tôi cam kết sử dụng sức mạnh của bóng đá như một động lực vì những điều tốt đẹp và tận dụng mối quan hệ đối tác của chúng tôi với các cơ quan của Liên Hợp Quốc để đạt được mục tiêu của mình. Chúng tôi muốn nói lời cảm ơn các cầu thủ và các đội đã chia sẻ sự hỗ trợ”.

Các thông điệp này sẽ được quảng bá thông qua băng tay của đội trưởng, bảng đèn LED kỹ thuật số bên sân, cờ lớn được treo trên sân, màn hình khổng lồ trong sân vận động và qua mạng xã hội. Về băng đội trưởng, sẽ có 3 lựa chọn: Theo chủ đề chung, từng chủ đề riêng hoặc chủ đề theo ngày.

HỒ VIỆT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/world-cup-nu-2023-var-va-nhung-dieu-moi-me-ma-doi-tuyen-bong-da-nu-viet-nam-se-trai-nghiem-post696206.html