Xã bị cô lập ở Quảng Nam kêu cứu

Sáng 6-11, xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam xảy ra mưa lớn, nước trên đầu nguồn xuống ngày càng nhiều kèm theo bùn đất. Tại thôn 2, một cơn lũ ống vừa đổ xuống bất ngờ khiến người dân tháo chạy. Lo sạt lở lũ quét nguy hiểm đến tính mạng người dân, UBND xã Phước Thành tức tốc di dời toàn bộ người dân về UBND xã tránh trú.

Những nền nhà còn sót lại sau trận lũ quét. Ảnh: NGỌC PHÚC

Những nền nhà còn sót lại sau trận lũ quét. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đây là ngày thứ 10, hai xã vùng cao Phước Lộc, Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đối mặt với tình trạng cô lập. Riêng xã Phước Lộc, đường rừng quá nguy hiểm nên lực lượng chức năng không cho người dân đi lại.

Ngoài lực lượng chức năng còn có máy bay trực thăng thả lương thực và đưa người bệnh nặng, phụ nữ mang thai về Bệnh viện Đà Nẵng.

Một cơn lũ quét nhỏ vừa đổ xuống xã Phước Thành. Ảnh: NGỌC PHÚC

Một cơn lũ quét nhỏ vừa đổ xuống xã Phước Thành. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đường rừng cõng hàng của người dân Phước Thành đã bị sạt lở bít lối. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đường rừng cõng hàng của người dân Phước Thành đã bị sạt lở bít lối. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đối với xã Phước Thành, lực lượng lượng chức năng chở hàng và tập kết tại xã Phước Kim, dân quân, lực lượng chức năng và người dân tự băng rừng cõng hàng về địa phương để lo cho hàng trăm người dân mất nhà do lũ quét.

Dãy nhà nằm tại trung tâm xã đang có nguy cơ bị lũ quét vì phía mặt sau đã bị trận lũ vừa qua cuốn sạch. Ảnh: NGỌC PHÚC

Dãy nhà nằm tại trung tâm xã đang có nguy cơ bị lũ quét vì phía mặt sau đã bị trận lũ vừa qua cuốn sạch. Ảnh: NGỌC PHÚC

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch xã Phước Thành cho biết, đến thời điểm này, xã đã di dời khoảng 80% hộ dân về nơi an toàn.

“Số hộ dân còn lại, xã vẫn đang rất lo lắng vì đợt lũ quét vừa rồi tràn qua trung tâm xã quá nhanh quá bất ngờ. Vì vậy, trong hôm nay, xã sẽ di dời hết toàn bộ người dân về trụ sở để đảm bảo an toàn tính mạng”, ông Phức nhấn mạnh.

Nhiều phụ nữ sinh con không có nhà ở. Ảnh: NGỌC PHÚC

Nhiều phụ nữ sinh con không có nhà ở. Ảnh: NGỌC PHÚC

Y sĩ Nguyễn Văn Trúc, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Thành, người bị mất nhà trong trận lũ quét vừa qua tại xã Phước Thành cho biết, hiện tại xã có hơn 15 phụ nữ mang thai, trong đó có khoảng 5 người sắp sinh.

“Vừa rồi, tôi đã băng rừng đưa một phụ nữ sẩy thai ra xã Phước Kim để về Trung tâm y tế huyện Phước Sơn cấp cứu và kịp thời cứu được tính mạng của người này. Tuy nhiên, con đường mòn duy nhất cõng hàng mà mọi người trong xã đi nay đã bị sạt lở bít lối. Xã không có bác sĩ, vì vậy, nếu có sự cố vượt khả năng của Trạm thì tôi cũng không biết làm sao”, ông Trúc lo lắng.

Chị Hồ Thị Phiêu cũng vì cõng hàng tiếp tế mà bị sẩy thai. Ảnh: NGỌC PHÚC

Chị Hồ Thị Phiêu cũng vì cõng hàng tiếp tế mà bị sẩy thai. Ảnh: NGỌC PHÚC

Có mặt tại xã Phước Thành, phóng viên ghi nhận, đã 10 ngày qua, xã Phước Thành bị cô lập, ngoài 2 trinh sát của huyện đến kiểm tra thì không có bất cứ lãnh đạo cũng như lực lượng chức năng nào đến hỗ trợ người dân vùng bị lũ quét cô lập này.

Toàn xã dùng nguồn nước từ suối chảy về, lũ quét vỡ đường ống. Hiện người dân chỉ hứng nước mưa dùng nhưng nguồn nước uống cũng sắp cạn kiệt. Điện thắp sáng bị hư hại hoàn toàn, vì vậy người dân không có điện, máy nổ của xã cũng chỉ mở giới hạn khi thật cần thiết vì nhiên liệu có giới hạn.

Xã Phước Thành phát lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Ảnh: NGỌC PHÚC

Xã Phước Thành phát lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Ảnh: NGỌC PHÚC

Con đường rừng duy nhất đến xã Phước Thành bị sạt lở chia cắt vào tối 5-11, gần 2000 nhân khẩu xã Phước Thành đang đối mặt với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Lương thực tại chỗ sắp cạn kiệt, kho dự trữ của xã và trường học chỉ còn 1,4 tấn gạo.

Người dân mất nhà không có chỗ ở, phải chen chúc nương nhau tại ủy ban xã, nhà Làng, không có quần áo mặc. Trong khi đó, trời mưa lớn nguy cơ sạt lở, lũ quét rình rập quanh xã. Nhóm phóng viên chúng tôi tiếp cận xã Phước Thành cũng không còn lối quay lại.

Phát gạo cho người dân mất nhà đang ở tạm tại xã. Ảnh: NGỌC PHÚC

Phát gạo cho người dân mất nhà đang ở tạm tại xã. Ảnh: NGỌC PHÚC

Con đường vận chuyển lương thực hàng hóa vào cho vùng cao Phước Thành vẫn còn rất gian truân. Do vậy, việc vận chuyển lương thực đường hàng không, hoặc thông đường sớm bằng phương tiện cơ giới hiện đại, là chuyện mà tỉnh Quảng Nam và huyện Phước Sơn cần phải tính sớm nhất, để người dân không bị cô lập dài ngày, dẫn đến thiếu ăn, bệnh dịch.

Đường cõng gạo bị vùi lấp, gạo trong kho của xã Phước Thành cũng không còn được bao nhiêu. Ảnh: NGỌC PHÚC

Đường cõng gạo bị vùi lấp, gạo trong kho của xã Phước Thành cũng không còn được bao nhiêu. Ảnh: NGỌC PHÚC

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/xa-bi-co-lap-o-quang-nam-keu-cuu-696008.html