Xã Cam Phước Tây: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Từ địa phương còn nhiều khó khăn, xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm) đã nỗ lực để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Đây là nền tảng để xã tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm giữ vững danh hiệu xã NTM và hướng đến mục tiêu cao hơn.

Cuộc sống có nhiều đổi thay

Những ngày cuối tháng 5, xã Cam Phước Tây rực rỡ cờ hoa khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã phấn khởi tổ chức lễ công bố xã đạt chuẩn NTM năm 2023. Ông Đặng Ngọc Minh - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất rau, củ, quả an toàn của xã chia sẻ, thời gian qua, UBND và Hội Nông dân xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả, thành lập được các tổ liên kết sản xuất… Nhờ đó, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. “Gia đình tôi có 2ha trồng rau màu và 0,5ha trồng cỏ nuôi bò. Đàn bò của gia đình hiện có 24 con, trong đó có 13 con bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình còn thu mua các mặt hàng rau, củ, quả của người dân trong xã. Nhờ sự đầu tư xây dựng NTM, nông dân có điều kiện nâng cao quy mô sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng nhà cửa khang trang, ổn định đời sống”, ông Minh cho biết.

Lãnh đạo xã Cam Phước Tây đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Lãnh đạo xã Cam Phước Tây đón nhận bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thôn Văn Sơn (xã Cam Phước Tây) là thôn đặc biệt khó khăn, có 323 hộ dân, với hơn 1.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, với vai trò là trưởng thôn và là người có uy tín, bà Bo Thị Minh Châu được đánh giá là người có nhiều đóng góp cho chương trình xây dựng NTM ở địa phương bằng nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả. Bà Châu cho biết, bản thân là người Raglai, lại là người có uy tín trong cộng đồng nên thuận lợi trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây cách làm ăn để xóa đói, giảm nghèo; vận động khuyến học, khuyến tài; vận động người dân tham gia phối hợp với lực lượng công an cung cấp thông tin đấu tranh, phòng, chống tội phạm một cách hiệu quả. “Bản thân tôi đã trực tiếp tham gia thuyết phục, hòa giải kịp thời những vụ việc trong cộng đồng về mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn giữa thanh niên; vận động người dân không phá rừng làm nương rẫy trái phép; phối hợp với địa phương tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhờ đó, đời sống người dân trong thôn có những chuyển biến tích cực, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống”, bà Châu chia sẻ.

Tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí

Ông Phạm Thành Hanh - Chủ tịch UBND xã Cam Phước Tây cho biết, xã có diện tích tự nhiên gần 8.700ha, chủ yếu là đồi núi, một phần nhỏ hẹp đồng bằng và bán sơn địa. Trong số gần 2.000 hộ dân toàn xã, có tới 80% sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp; hầu hết lao động chưa được đào tạo nghề, công việc không ổn định; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Do đó, xã xác định nhiệm vụ xây dựng NTM trước hết là tập trung cải thiện về kinh tế. Cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, Đảng bộ, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước giảm nghèo, như: Phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; hỗ trợ người dân thực hiện có hiệu quả các mô hình nuôi heo đen, gà thả vườn, chăm sóc và trồng mới cây điều, cây xoài…; tập trung đào tạo nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 97%, trong đó gần 30% có bằng cấp, chứng chỉ… Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 3,02%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 53,2 triệu đồng/người/năm.

Thi công đường vào khu sản xuất thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây.

Thi công đường vào khu sản xuất thôn Văn Sơn, xã Cam Phước Tây.

Đến nay, toàn bộ đường liên xã, liên thôn trên địa bàn xã đã được cứng hóa, gần 85% đường trục chính nội đồng đã được đổ bê tông; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp và dân sinh; 99,56% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ lưới điện quốc gia. Trên địa bàn xã có 4 trường học (1 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS) đều có cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định. Nhà văn hóa xã, hội trường thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà thi đấu đa năng được đầu tư khang trang, phục vụ người dân vui chơi, sinh hoạt văn hóa và thể thao. Các tiêu chí về y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật… đều đạt chuẩn. Bên cạnh đó, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, những gia đình khó khăn về nhà ở đều được hỗ trợ xây nhà, góp phần nâng tỷ lệ hộ có nhà ở đạt chuẩn lên 95,64%.

Ông Phạm Thành Hanh cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền và vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ vững danh hiệu xã NTM, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Cùng với đó, xã tập trung thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tích cực vận động nhân dân tham gia giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu dân cư không có tội phạm, đẩy lùi tệ nạn xã hội; vận động toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo vệ môi trường… để Cam Phước Tây giữ vững danh hiệu xã NTM và hướng đến mục tiêu cao hơn.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xay-dung-nong-thon-moi/202406/xa-cam-phuoc-tayno-luc-xay-dung-nong-thon-moi-5943a52/