Xã Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái): Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trở thành tỷ phú nhờ nuôi ba ba

Tận dụng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi, khí hậu mát mẻ, có nhiều khe nước sạch nên nhân dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã phát triển mạnh việc nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản, từ đó giúp đời sống không ngừng được cải thiện. Nuôi ba ba không chỉ làm giàu cho người dân nơi đây mà còn trở thành một nghề bền vững, có tiềm năng phát triển kinh tế cao trong khu vực.

“Năm 2022, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về hơn 700 triệu đồng từ việc nuôi ba ba sinh sản. Thu nhập như gia đình tôi là bình thường, ở địa phương có nhiều gia đình còn thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm nhờ ba ba. Ngày trước ở Cát Thịnh, người dân chỉ mong đủ ăn chứ nói gì đến làm giàu, nhưng giờ đây, nhờ mô hình nuôi ba ba mà nhiều hộ dân đã có nhà to để ở, ô tô đẹp để đi”. Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Cửu, dân tộc Tày, ở thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh với chúng tôi.

Mô hình nuôi ba ba sinh sản của gia đình ông Hoàng Văn Cửu (thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh).

Mô hình nuôi ba ba sinh sản của gia đình ông Hoàng Văn Cửu (thôn Ba Khe, xã Cát Thịnh).

Được biết, vào mùa ba ba sinh sản (từ tháng 7 đến tháng 10), thương lái khắp nơi đổ về Cát Thịnh để mua ba ba giống. Tham quan hệ thống chuồng trại khang trang, kiên cố, rộng 3.000m2 nuôi hơn 500 con ba ba bố mẹ của gia đình ông Cửu mới thấy hết quy mô lớn của trang trại. Để có nguồn nước bảo đảm vệ sinh, gia đình ông đầu tư xây dựng hệ thống đập đấu nối từ đầu nguồn và hệ thống ống dẫn nước về đến tận ao nuôi. Mỗi năm, mô hình nuôi ba ba của ông Cửu cung cấp ra thị trường hơn 8.000 con giống, với giá bán 100.000 đồng/con giống 10 ngày tuổi. Khách hàng của ông Cửu ở khắp các địa phương trên cả nước.

Mới nuôi ba ba chưa lâu nhưng ông Sa Quang Huy ở thôn Ba Khe đã có thu nhập cao từ nghề này. Năm 2022, gia đình ông bán ra thị trường hơn 6.000 con giống, trừ chi phí đầu tư con giống, thức ăn, ông còn thu lãi hơn 500 triệu đồng. Ông Huy chia sẻ: “Thấy các hộ dân trong xã có thu nhập cao từ nghề nuôi ba ba, tôi đã mạnh dạn đầu tư cải tạo hơn 1.000m2 ruộng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi ba ba. Nhờ các hộ đi trước hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi ba ba từ cách thiết kế ao nuôi đến kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh cho ba ba nên tôi đã có lãi ngay từ vụ đầu tiên".

Ông Nguyễn Văn Nghị, Chủ nhiệm Hợp tác xã chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh cho biết: "Nghề nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh đã có gần 20 năm, nhưng thời gian đầu chỉ có vài hộ nuôi. Từ khi thành lập hợp tác xã, các hộ nuôi ba ba được hỗ trợ về kỹ thuật, con giống nên nhiều gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình. Thời gian đầu, người nuôi ba ba cũng vất vả, vốn liếng ít, lại chưa có kinh nghiệm nên ba ba chậm lớn, nhưng giờ thì khác rồi. Hiện nay, xã Cát Thịnh chủ yếu nuôi ba ba sinh sản, ba ba thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Nhìn chung, tôi thấy từ năm 2005 đến nay, ở xã Cát Thịnh, ai đầu tư nuôi ba ba cũng thành công”.

Xác định “làm là trúng”, tuy nhiên, vốn để xây dựng chuồng trại, hệ thống thoát nước cũng cao nên nhiều gia đình dù có nhu cầu nuôi nhưng không có điều kiện để phát triển. Biết được nhu cầu của người dân, chính quyền xã Cát Thịnh đã tham mưu với các đơn vị chức năng tạo điều kiện cho các hộ dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển mô hình; bên cạnh đó còn hỗ trợ người dân làm truy xuất nguồn gốc, chỉ giới địa lý để phát triển đầu ra.

Nhờ thực hiện nhiều biện pháp, đến nay, xã Cát Thịnh đã có gần 300 hộ nuôi ba ba thương phẩm và ba ba sinh sản với quy mô chuồng trại từ 1.000m2 trở lên. Trong đó hơn 10 hộ có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; 40% số hộ thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên. Hiện nay, các hộ nuôi ba ba đều có thu nhập tốt. Khi kinh tế phát triển thì nhân dân cũng tích cực đóng góp để xây dựng các công trình xã hội như nhà văn hóa, kiên cố 100% trục đường giao thông liên thôn... Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: “Trước đây, ba ba được người dân bắt ở suối mang về nuôi thử ở 10 thôn vùng thấp và phát triển tốt nên đã nhân rộng ra nhiều thôn trong xã. Hiện nay, tổng diện tích nuôi ba ba của xã là 12ha. Chính quyền xã đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi hộ dân nuôi ba ba vay 50 triệu đồng trong 5 năm; đồng thời kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thành lập Hợp tác xã chăn nuôi ba ba gai Cát Thịnh... Chúng tôi đang khuyến khích và vận động các hộ dân đầu tư, liên kết để giúp đỡ, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng quy mô chăn nuôi”.

Hiện nay, nghề nuôi ba ba ở xã Cát Thịnh đã không còn manh mún, nhỏ lẻ mà có sự liên kết đầu tư khá bài bản. Nhiều hộ đã xây dựng, mở rộng quy mô thành trang trại để chăn nuôi hiệu quả. Tuy nhiên, nuôi ba ba đòi hỏi người dân phải có nguồn vốn, kiến thức chăn nuôi nhất định. Để các mô hình nuôi ba ba phát triển bền vững, người dân mong muốn tiếp tục được vay vốn ưu đãi và có đầu ra ổn định. Nhờ nuôi ba ba, hằng năm có nhiều hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở Cát Thịnh thoát nghèo và mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo (từ 611 hộ nghèo năm 2022, sang năm 2023 chỉ còn 444 hộ). Nghề nuôi ba ba đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện vùng cao Văn Chấn.

Bài và ảnh: HỒNG THỊNH TRANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xa-cat-thinh-van-chan-yen-bai-nhieu-ho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-tro-thanh-ty-phu-nho-nuoi-ba-ba-726214