Xã Chí Đạo mong lắm những cây cầu bê tông

Mùa khô thì sử dụng cầu tạm để vượt sông, suối. Mùa mưa nước lũ dâng cao phải đi đường vòng hàng cây số để đến khu sản xuất. Việc thiếu những chiếc cầu bê tông phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa từ lâu đã trở thành nỗi trăn trở của người dân xã Chí Đạo (Lạc Sơn). Đây được xem là một trong những rào cản của quá trình hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết, người dân xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) phải tháo cầu tạm bắc qua sông để tránh bị lũ cuốn trôi.

Do nước lũ dâng cao, chảy xiết, người dân xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) phải tháo cầu tạm bắc qua sông để tránh bị lũ cuốn trôi.

Khảo sát thực tế tại xóm Be Dưới vào những ngày cuối tháng 6, thời điểm nước lũ dâng cao. Theo quan sát, do nước chảy xiết nên người dân buộc phải tháo chiếc cầu tạm để tránh bị nước lũ cuốn trôi. Việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn do phải đi đường vòng hàng cây số mới tới được khu vực sản xuất. Qua tìm hiểu được biết, xóm Be Dưới trước khi sáp nhập thuộc xóm Be, diện tích sản xuất phân bố rộng rãi trên địa bàn. Tuy nhiên do địa hình cắt nên vào mùa lũ, việc đi làm đồng áng của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Bùi Văn Tiểm, Trưởng xóm Be Dưới cho biết: "Tại 3 xóm Be Dưới, Be Trên, Be Ngoài đã được Nhà nước đầu tư xây dựng 2 chiếc cầu dân sinh, tuy nhiên phải đi đường vòng mất 2 – 3 km mới đến được chân ruộng. Để khắc phục tình trạng trên, người dân trong xóm đã quyên góp 300.000 đồng/hộ mua bương, tre làm cầu tạm, bắc qua sông để đi đến khu đất sản xuất. Mùa khô thì yên tâm chứ mùa mưa nước chảy xiết, cầu yếu tiềm ẩn nguy hiểm cho người dân khi qua cầu”.

Xã Chí Đạo có 623 hộ với trên 3.000 nhân khẩu sinh sống tại 6 xóm. Địa bàn hiểm trở, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối gây ảnh hưởng đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân. Đặc biệt tại các xóm Ót, Be Trên, Be Dưới, Be Ngoài hiện đã được Nhà nước đầu tư xây dựng những chiếc cầu treo dân sinh, nhưng do không có cầu bê tông chịu được tải trọng lớn nên đã ảnh hưởng đến việc giao thương hàng hóa.

Thực tế tại xóm Ót, tuy chỉ cách trung tâm xã chừng 3 – 4 km, song nếu vận chuyển hàng hóa thì phải đi đường vòng lên trung tâm huyện mất hơn 30 km. Do chi phí tăng cao, hàng hóa nông sản mất giá. Như giá keo tại trung tâm xã có thể bán được từ 1 – 1,5 triệu đồng/tấn thì tại xóm Ót chỉ bán được 800.000 – 900.000 đồng/tấn. Giá thành một số mặt hàng nông sản như mía, sắn cũng thấp hơn bởi chi phí vận chuyển cao.

Anh Bùi Văn Trường, xóm Ót trăn trở: "Chưa có đường giao thông thuận tiện đã ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, lưu lượng người và phương tiện di chuyển qua cầu rất đông, trong đó có cả người ở những địa bàn lân cận. Tuy nhiên do cầu yếu, tải trọng thấp nên thường xuyên xảy ra rung lắc, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”.

Xác định những khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển hạ tầng giao thông, cấp ủy, chính quyền xã Chí Đạo đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ đầu tư xây dựng cầu bê tông có tải trọng lớn. Chỉ đạo các ngành, đoàn thể và thôn, xóm rà soát các khu vực xung yếu, cầu tạm xuống cấp để có giải pháp khắc phục kịp thời. Cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Vào thời điểm mùa mưa lũ kéo dài, các xóm phân công người túc trực, xử lý sự cố bất ngờ.

Đồng chí Quách Công Thái, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo cho biết: "Để đảm bảo an toàn và nhu cầu đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa trên địa bàn, chính quyền xã mong muốn Nhà nước quan tâm, bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cầu bê tông đáp ứng mong mỏi của người dân. Xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ tích cực hiến đất, đóng góp ngày công lao động. Tiếp tục chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với từng thôn, xóm triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho người dân đi lại trong mùa mưa bão. Từ đó là cơ sở phấn đấu đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/179847/xa-chi-dao-m111ng-lam-nhung-cay-cau-be-tong.htm