Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km, xã Minh Châu được thành lập năm 1955 tại vùng bãi giữa sông Hồng thuộc huyện Ba Vì. Xã có diện tích trên 560 ha, dân số hơn 1.400 hộ (khoảng 6.500 nhân khẩu). Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần túy như trồng chuối, nuôi bò sữa.
Minh Châu được nhắc đến như xã đảo duy nhất của Thủ đô do nằm ở bãi bồi giữa sông Hồng, khi nước lũ lên cả xã bị cô lập; việc đi lại phụ thuộc vào thuyền, phà.
Mặc dù nằm giữa sông Hồng nhưng vì kết cấu địa chất nên nguồn nước ngầm ở đây khan hiếm và ô nhiễm. Suốt 70 năm, đến đầu năm 2024, Người dân Minh Châu mới được dẫn nguồn nước sạch ngầm qua sông phục vụ đời sống sinh hoạt.
Hàng chục năm qua, bà con ở xã này bị thiếu nước sạch sinh hoạt, thậm chí nước giếng khoan ở đây còn có tỷ lệ asen vượt ngưỡng cho phép 100 lần, nhiễm amoni và nhiều tạp chất độc hại khác.
"Từ ngày có nước sạch, gia đình yên tâm sinh hoạt hàng ngày chứ không phải lo về nguồn nước ô nhiễm nữa. Nước ở trên đảo không thiếu nhưng ô nhiễm nặng, nước giếng khoan chỉ dám chăn nuôi, tưới cây hoa; còn lại các nhà đều phải tích nước mưa để sử dụng. Có nước sạch đời sống xã đảo được nâng cao hơn, gia đình cũng tập trung làm ăn phát triển kinh tế", bà Nguyễn Hải Hà (thôn Chu Châu, xã Minh Châu) phấn khởi chia sẻ.
Cuộc sống của người dân đi vào ổn định khi hệ thống nước sạch được phủ khắp xã đảo.
Năm 2023, Công ty Cổ phần Nước sạch Ba Vì đã khảo sát nhiều phương án, cuối cùng quyết định kéo nước của nhà máy từ Quốc lộ 32 chạy ngầm hơn 1km qua sông Hồng, cung cấp nước sạch cho gần 7.000 người dân trên địa bàn xã.
Xã đảo Minh Châu vừa xa trung tâm huyện lại cách biệt với các xã phường lân cận, vừa xa đầu mối cấp nước là Nhà máy nước sạch Sông Đà Ba Vì.
Theo UBND huyện Ba Vì, đến thời điểm này, 26/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có tuyến ống cấp nước sạch sinh hoạt. Dự kiến trong năm 2024, Ba Vì sẽ hoàn thành hệ thống cấp nước sạch sinh hoạt tại 100% xã, thị trấn.
Phùng Linh