Xã Đôn Châu: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững
Thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ 'phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025', huyện Duyên Hải có 04 xã thuộc diện này gồm: Ngũ Lạc, Đôn Xuân, Đôn Châu và Long Vĩnh.
Xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải là xã còn nhiều khó khăn, là xã thuần nông, đồng bào Khmer chiếm 80,9% so tổng số hộ (toàn xã có 3.079 hộ, gần 12.000 nhân khẩu). Xã có 10 ấp, gồm: Bà Nhì, La Bang Kinh, La Bang Chợ, La Bang Chùa, Tà Rom A, Tà Rom B, Sa Văng, Mồ Côi, Bào Môn và Ba Sát.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, xã Đôn Châu có điểm xuất phát thấp, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, huyện và sự “đồng tâm, hiệp lực” của các tầng lớp Nhân dân, tháng 7/2022, xã Đôn Châu đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân; song, xã Đôn Châu phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nâng cao các tiêu chí. Trong đó, tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thông qua các giải pháp: đào tạo nghề, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế hộ...
Đồng chí Thạch Mỹ An, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Châu cho biết: đến cuối tháng 9/2023, qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023, trên địa bàn xã còn 76/3.079 hộ nghèo, chiếm 2,46% (giảm 25 hộ so với cuối năm 2022); 54/3.079 hộ cận nghèo, chiếm 1,75% (giảm 43 hộ cận nghèo so với cuối năm 2022). Kết quả đạt được, nhờ Đôn Châu tập trung nhiều giải pháp đồng bộ, được người dân đồng tình và hiệu quả.
Đầu năm 2023, Đảng ủy, UBND xã Đôn Châu tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nâng cao các tiêu chí NTM, thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực... nhằm giảm nghèo bền vững. Trong đó, quan tâm đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm; vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật ứng dụng vào đời sống, sản xuất.
Theo đó, trong 09 tháng năm 2023, xã Đôn Châu phối hợp với các sở, ngành tổ chức 07/06 lớp đào tạo nghề, có 177 học viên tham dự. Các lớp đào tạo nghề được gắn với nhu cầu lao động, việc làm của địa phương; chủ yếu các lớp như: đào tạo nghề xây dựng, sửa chữa máy nổ, chăn nuôi - thú y, làm đẹp, kỹ thuật trồng màu; chăm sóc hoa kiểng… Nhờ đó, hiện Đôn Châu có 6.450 lao động trong độ tuổi có việc làm, thu nhập ổn định.
Đồng chí Kim Thị Sô Phi, Trưởng Ban Nhân dân ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu cho biết: thông qua đào tạo nghề đã có nhiều lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập. Điển hình như chị Thạch Thị Sô Pho, ngụ ấp La Bang Chùa, là học viên lớp chăn nuôi - thú y. Trước đây, khi chưa tham gia học, chị Thạch Thị Sô Pho nuôi bò thường gặp rủi ro. Năm 2021, chị có con bò nái, sau khi sinh được bê con, bò mẹ bị bệnh, do không biết cách chăm sóc, điều trị nên bò mẹ chết. Từ khi tham gia học lớp chăn nuôi - thú y, chị được trang bị những kiến thức cơ bản, nên an tâm, tự tin trong quá trình nuôi và chị tiếp tục phát triển đàn, hiện đàn bò của chị là 07 con.
Song song với đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, xã Đôn Châu còn quan tâm đến các nguồn vốn, nhằm hỗ trợ kịp thời, giúp các hội viên hội đoàn thể phát huy vai trò trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo đồng chí Thạch Mỹ An, đến 15/10, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn xã thông ủy thác các đoàn thể hơn 73 tỷ đồng, với 41 tổ tiết kiệm vay vốn. Trong đó, Hội Liên hiệp phụ nữ xã có 19 tổ, đang quản lý dư nợ hơn 32 tỷ đồng; Hội Nông dân có 08 tổ, dư nợ hơn 13,2 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh có 08 tổ, dư nợ 13,35 tỷ đồng và Đoàn thanh niên, có 06 tổ, dư nợ 9,667 tỷ đồng.
Đồng chí Thạch Mỹ An cho biết thêm, từ đầu năm 2023 đến ngày 20/10, xã đã có 04 lao động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, còn 02 lao động đã hoàn thành hồ sơ, chuẩn bị xuất cảnh vào tháng 11/2023, khi đó xã đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2023 (06/06 lao động). Nhiều lao động đã đi lao động vào những năm trước, hiệu quả. Điển hình như trường hợp của lao động Lưu Hoàng Sa, ấp La Bang Chợ, đang lao động tại Nhật Bản. Nhờ việc làm ổn định, thu nhập khá, nên Hoàng Sa đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định, Hoàng Sa tiếp tục gia hạn thời gian lao động thêm 02 năm.
Kinh tế tiếp tục phát triển đúng hướng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo việc phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; giúp người dân nắm vững được các quy trình sản xuất, chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao, đã góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã; đây chính là cơ sở để Đôn Châu sớm hoàn thành XDNTM nâng cao.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN