'Xã hội đen' đại náo nhà ga Hong Kong, phục kích từ chiều đến đêm
Nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ trong vụ nhóm người mặc áo trắng dùng gậy gộc tấn công hành khách đi tàu tại Hong Kong tối 21/7.
Vụ bạo loạn xảy ra tại nhà ga Yuen Long ở Hong Kong tối 21/7 khi hàng chục người mặc áo thun trắng bất ngờ tấn công hành khách đi tàu. Nhóm tấn công được cho là nhắm vào người biểu tình ở Hong Kong, nguyên nhân gây căng thẳng tại đặc khu này suốt nhiều tuần qua.
Tính đến sáng 22/7, tổng cộng 45 người bị thương trong vụ tấn công, trong đó một người đã thiệt mạng và 5 người bị thương nặng.
Chính quyền lên án vụ tấn công song cũng bị nghi ngờ đã tạo điều kiện để sự việc diễn ra. Hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng sau.
Phục kích từ chiều đến đêm
Từ 18h ngày 21/7, một đám đông người mặc áo thun trắng không rõ lai lịch đã tập trung trên phố gần ga tàu điện Yuen Long, theo trang HK01. Một số nhân chứng nhìn thấy cảnh tượng cho biết họ cảm thấy bất an và không dám bắt tàu về nhà.
Khi đó, trên mạng đã có lan truyền tin đồn rằng nhóm người áo trắng này, nghi ngờ là xã hội đen, đang phục kích những người biểu tình chống dự luật dẫn độ sắp về nhà sau cuộc tuần hành, kêu gọi mọi người chú ý an toàn. Áo trắng được xem là tượng trưng cho những người ủng hộ chính quyền, cảnh sát Hong Kong, theo trang UDN. Trong khi đó, phong trào biểu tình đã chọn màu áo đen trong những cuộc xuống đường vừa qua.
Hình ảnh và video được đăng trên mạng cho thấy có khoảng gần 100 người với dáng vẻ khả nghi, đa phần mặc áo trắng, một số người buộc dây màu đỏ ở tay, cầm các biểu ngữ "Bảo vệ Yuen Long", "Bảo vệ quê hương", và cả cờ đặc khu Hong Kong.
Đến khoảng gần 23h, hàng chục người áo trắng xông vào nhà ga Yuen Long. Tại khu vực sân ga, họ dùng gậy tấn công, đánh vào những người vừa từ tàu bước ra, bất kể là họ có mặc áo đen hay không. Một số phóng viên đưa tin tại hiện trường cũng bị đánh, cũng như một phụ nữ mang thai ngất xỉu tại nhà ga.
Một số người dân đứng bên ngoài cửa liền dùng vòi xịt nước, bình chữa cháy phun vào đám người áo trắng. Rất nhiều người khác trốn vào nhà vệ sinh để tránh bị đánh. Ban đầu, ít nhất 15 người bị thương và được đưa đến các bệnh viện gần đó.
Người nổi tiếng, nghị sĩ bị đánh chảy máu
Đến bệnh viện với máu me đầy mặt, Liễu Tuấn Giang (Ryan Lau), từng là nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng của TVB, được băng bó đầu trong lúc nhiều người vây quanh phỏng vấn. Anh kể lại với HK01: "Tôi thấy cảnh sát đến, đi vòng vòng rồi biến đâu mất".
Anh cho biết khi đó nhân viên nhà ga đã bắt đầu đóng cổng, và nói người dân rời đi. Khi mọi người chuẩn bị rời đi thì đột nhiên rất nhiều người mặc áo trắng xông vào nhà ga. "Họ chạy về một hướng, khi tôi quay đầu lại thì thấy có ai đó bị đánh", anh kể.
Anh liền chạy lại ngăn cản. Song cùng lúc, một nhóm đông người cầm gậy gỗ, gậy sắt bao vây anh và những người khác, và anh không thoát ra được. Anh nói anh không thấy bóng dáng cảnh sát và không nhận được sự giúp đỡ nào.
"Có lẽ có người đã chạy ra ngoài đường rồi nhưng cảnh sát chống bạo động cũng không ngó ngàng đến? Khi người Hong Kong cần sự trợ giúp, họ phải tự mình lo lấy thân", anh nói một cách tức giận.
Anh Liễu cho rằng trong việc này có người "dường như đã được bật đèn xanh" để thực hiện và chính quyền chỉ biết nói hai chữ "lên án" một cách lạm dụng và thiếu uy tín.
"Một nhóm người đã tập trung tại nhà ga đường sắt đô thị và các toa tàu, tấn công hành khách. Vụ việc dẫn đến xô xát và nhiều người bị thương. Điều này là không thể chấp nhận tại Hong Kong, trong một xã hội tôn trọng pháp luật. Chính quyền kịch liệt lên án bất cứ hành vi bạo lực nào và sẽ có các biện pháp mạnh tay", thông cáo từ chính quyền Hong Kong nêu.
Trong số những người bị thương còn có nhà lập pháp Lâm Trác Đình thuộc phe đối lập ở Hong Kong, theo Ettoday. Ông Lâm đã xuất hiện tại nhà ga với mục đích trấn an những người bị mắc kẹt nhưng cuối cùng đã bị ô và gậy đâm vào trong lúc hỗn hoạn, khiến miệng chảy máu và cánh tay bị thương.
Cảnh sát bị chỉ trích vì đến muộn
Cho đến 23h15, khi nhóm người áo trắng đã rời khỏi hiện trường, cảnh sát mới xuất hiện. Công chúng tỏ ra tức giận vì cảnh sát có mặt quá trễ khi họ đã báo cho cảnh sát ít nhất nửa tiếng trước.
Một người kể lại rằng họ đã gọi đường dây nóng 999 cho cảnh sát. Sau khi kết nối, điện thoại viên nói rằng cảnh sát đã đến hiện trường và ngay lập tức cắt điện thoại. "Họ còn không thèm hỏi tình hình ở hiện trường như thế nào", người này nói.
Theo thông tin của ban quản lý nhà ga, cảnh sát đã được báo tin về tình hình căng thẳng từ 22h45. Một nạn nhân còn cáo buộc cảnh sát cố tình rút khỏi nhà ga Yeun Long để xã hội đen tiến vào hành hung người biểu tình.