Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Đối với trẻ em thành phố, kỳ nghỉ hè là khoảng thời gian vui chơi, hoạt động ngoại khóa bổ ích an toàn. Nhưng với huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Sìn Hồ, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, bản thì hầu như trẻ em thiếu các điểm vui chơi. Vốn hiếu động nên các em phải tự tìm cho mình những trò giải trí, nhiều khi đây là những hoạt động nguy hiểm vì trẻ nhỏ chưa nhận thức được đầy đủ về tác hại của trò chơi đó.
Hiện toàn huyện Sìn Hồ có 29.958 trẻ em. Vấn đề thiếu sân chơi, không gian sinh hoạt và các hoạt động ngoại khóa của trẻ em nơi đây không còn là mới. Dịp hè là thời điểm nhiều vụ tai nạn thương tích thường xảy ra với các em nhỏ. Nguyên nhân chủ quan và khách quan thì nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là địa phương còn thiếu môi trường sinh hoạt hè lành mạnh, an toàn cho trẻ.
Thiếu điểm vui chơi và các chương trình sinh hoạt hè, trẻ em ở xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ thường ra sông, suối chơi đùa rất nguy hiểm. (Ảnh chụp lúc 15h ngày 6/7/2021)
Môi trường làm việc của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu ở ruộng, nương và sông hồ. Trẻ em trong mỗi kỳ nghỉ hè phải theo cha mẹ đi làm, hoặc ở nhà tự chơi nên hay xảy ra những tai nạn đáng tiếc. Khi ở nhà một mình, nhiều em rủ nhau lên đồi, núi chơi, dễ bị thương tích do động vật cắn, hoặc ngã gãy tay, chân. Nghiêm trọng hơn nhiều em ở nhà nghịch lửa, điện... Đã có những trường hợp tử vong do điện giật. Nhiều trẻ do không được quản lý tại vùng có nhiều ao, hồ, sông suối thì thường bị đuối nước, đây là tình trạng phổ biến nhất. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm, khiến 1 cháu tại xã Pu Sam Cáp, 2 cháu tại xã Nậm Tăm thiệt mạng. Ngoài ra còn một số trường hợp bị bỏng xăng, điện được người dân kịp thời đưa đi cấp cứu.
Anh Lường Văn Phong - người dân xã Nậm Mạ, huyện Sìn Hồ cho biết: Gia đình tôi nuôi cá và canh tác trên vùng bán ngập của lòng hồ thủy điện. Tôi nhận thấy không chỉ thời điểm mùa hè mà chỉ cần được nghỉ học là con trẻ lại ùa ra sông hồ tắm, chơi đùa và tại đây đã từng xảy ra những tai nạn đuối nước rất thương tâm.
Việc tạo sân chơi, phát triển các hoạt động hè lành mạnh, an toàn bổ ích cho trẻ em vùng cao là rất quan trọng, giúp các em được phát triển toàn diện về trí tuệ, thể chất và kỹ năng sống. Với trẻ em các xã, bản là vậy nhưng tại các địa phương có điều kiện sống khá hơn, như trung tâm thị trấn và các khu vực lân cận, trẻ em cũng trong tình trạng tương tự.
Đặc biệt trong thời gian này, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ nhỏ ở nhà thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ để giải trí như: tivi, điện thoại, máy tính bảng... trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần. Riêng với thanh thiếu niên, việc thiếu các hoạt động bổ ích, các điểm vui chơi lành mạnh khiến một số ít trẻ em ham chơi điện tử, thậm chí sử dụng chất kích thích, đánh nhau, gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội.
Anh Sùng A Nhè - Bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ cho biết: Những năm qua, việc tạo sân chơi an toàn, lành mạnh và bổ ích cho trẻ em, thanh thiếu niên được cấp ủy, chính quyền huyện quan tâm. Trung tâm thị trấn đã có sân cỏ nhân tạo, sân vận động trung tâm và một vài điểm có cảnh quan đẹp, thuận lợi cho trẻ em vui chơi. Đoàn thanh niên huyện cũng đã tổ chức các buổi sinh hoạt hè cho trẻ, tạo kỹ năng sống, thói quen sinh hoạt lành mạnh cho các em. Tuy nhiên, do địa phương là huyện miền núi, kinh tế khó khăn, còn tồn tại nhiều hạn chế, cùng diễn biến dịch bệnh Covid-19 hiện nay phức tạp nên việc thực hiện các mô hình hoạt động cho trẻ còn nhiều hạn chế.
Trẻ em ở vùng cao Sìn Hồ thường dè dặt vì ít tiếp xúc với người lạ, nên việc tạo ra nhiều sân chơi bổ ích lành mạnh sẽ giúp các em có môi trường để giao tiếp, phát triển kỹ năng mềm, đồng thời làm quen với các loại hình hoạt động nhóm, có tổ chức. Ngoài cơ hội để rèn luyện học hỏi, trẻ em còn có thể vui chơi, phát triển thể chất toàn diện, tạo nền tảng tốt cho trẻ trong tương lai. Do vậy, để có đủ sân chơi cho con trẻ, chính quyền huyện cần sớm có kế hoạch sửa chữa, duy tu tôn tạo và làm mới các điểm vui chơi an toàn.
Để trẻ em vùng cao được phát triển toàn diện, rất cần các bậc cha mẹ cùng chính quyền địa phương chăm lo cho các hoạt động của trẻ theo hướng xã hội hóa. Tạo điều kiện cho các em có không gian vui chơi, phát triển trí tuệ, kỹ năng sống toàn diện, phù hợp với xã hội hiện đại.