Xã Hội | Giáo dục TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

HĐND huyện Tân Uyên vừa thông qua Đề án 'Xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 – 2025', ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện tiến hành thực hiện Đề án ngay trong năm học 2021 - 2022. Dẫu còn đó những khó khăn nhưng ngành vẫn từng bước khắc phục vượt qua, phấn đấu đạt mục tiêu ngay trong năm đầu tiên thực hiện Đề án.

Năm học này, huyện Tân Uyên có 26/34 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 76,5%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 1 ở 10/10 xã, thị trấn.

Nhận thức của Nhân dân trên địa bàn về giáo dục ngày càng được nâng lên, đa số phụ huynh học sinh đều mong muốn con em có một môi trường giáo dục tốt theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa, chất lượng cao. Đồng thời, tăng cường sự ưu tiên đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, phát triển đa dạng các mô hình giáo dục theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn, giáo dục toàn diện, UBND huyện đã ban hành Đề án "Xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025".

Theo phân tích của ông Nguyễn Trường Tới – Phó Phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên thì, xây dựng trường trọng điểm chất lượng giáo dục là phải chọn những đơn vị có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đội ngũ này cũng tiên phong, đi đầu trong đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, năng khiếu người học; tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục mũi nhọn. Đây chính là tiền đề để học sinh học tốt ở cấp học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện. Do đó, theo điều kiện thì hiện tại chỉ có 2 đơn vị trường đáp ứng được đó là Trường Tiểu học số 1 và Trường THCS thị trấn Tân Uyên.

Tiết học môn Tiếng Việt của cô trò lớp 4A1, trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên.

Tiết học môn Tiếng Việt của cô trò lớp 4A1, trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên.

Ngay khi đề án được ban hành, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện xây dựng và triển khai thực hiện đề án, ban hành kế hoạch lựa chọn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường trọng điểm chất lượng giáo dục. Thực hiện tốt đề án, ngành GD&ĐT huyện đã lựa chọn, bố trí cán bộ quản lý, giáo viên đủ số lượng, đảm bảo cơ cấu bộ môn theo quy định, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tiên phong, đi đầu trong đổi mới dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất, năng khiếu người học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm, hằng năm được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Cùng với đó là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Đảm bảo đủ phòng học, các khối phòng quản trị, khối phòng phục vụ học tập, khối phòng hỗ trợ học tập, khối phòng phụ trợ, trang thiết bị đáp ứng cho hoạt động giáo dục đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Thực hiện tốt công tác tuyển sinh, tổ chức, biên chế lớp học đảm bảo theo điều lệ trường tiểu học, trường THCS và điều kiện thực tế của nhà trường.

Ngành cũng thực hiện các chính sách đặc thù đảm bảo quyền lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại trường trọng điểm theo quy định. Có cơ chế tài chính theo hướng ưu tiên nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn Quỹ Khuyến học cho các trường trọng điểm chất lượng giáo dục; huy động tối đa các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng trường trọng điểm.

Được biết, qua quá trình tổ chức thi, lấy điểm từ cao xuống thấp, đến thời điểm này, các đơn vị trường đã tiếp nhận cán bộ quản lý. Đối với đội ngũ giáo viên đã thực hiện xong các bước xét duyệt hồ sơ, thi lý thuyết, đang thực hiện thi thực hành tiết dạy, dự kiến xong trong tháng 9 để ổn định đội ngũ. Điều đáng nói, việc lựa chọn, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có chất lượng, đủ về số lượng và cơ cấu để đảm bảo mục tiêu của Đề án bằng hình thức tổ chức thi tập trung, không phân biệt vùng miền, tuổi tác mà cạnh tranh lành mạnh. Cá nhân nào thi vào vị trí nào, điểm số sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Để hiểu hơn về công tác tuyển chọn giáo viên, chúng tôi đến khảo sát tại Trường Tiểu học số 1 thị trấn Tân Uyên. Vừa hoàn thành xong bài thi lý thuyết, cô giáo Lê Thị Việt Hà hiện đang được phân công giảng dạy khối lớp 2 cho biết: Tôi đang chuẩn bị cho phần thi thực hành, có một chút hồi hộp lo lắng nhưng tôi sẽ cố gắng dành hết tâm huyết, đưa kiến thức trọng tâm để cho các em hiểu và vận dụng một cách tốt nhất. Trong phần thi thực hành, giáo viên thực hiện giảng 1 tiết sau đó các em học sinh sẽ vận dụng kiến thức đã học thông qua bài kiểm tra. Kết quả điểm số của học sinh cao hay thấp sẽ đánh giá được năng lực của người giáo viên. Đối với đặc thù học sinh của nhà trường nắm bắt kiến thức rất nhanh, do đó, đòi hỏi giáo viên phải luôn tìm tòi và định hướng cho các em cách thức tiếp cận và nhận biết kiến thức một cách hiệu quả nhất.

Lần đầu tiên thực hiện Đề án trường trọng điểm chất lượng song nhờ sự chủ động, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ các đơn vị, địa phương khác, ngành GD&ĐT huyện Tân Uyên đã vững vàng bước vào vạch xuất phát của năm đầu tiên thực hiện. Mong rằng với sự chuẩn bị kỹ càng và tâm huyết, trách nhiệm của các đơn vị trường, mục tiêu của Đề án sẽ đạt được như đã đề ra.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/huy%E1%BB%87n-t%C3%A2n-uy%C3%AAn-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-tr%E1%BB%8Dng-%C4%91i%E1%BB%83m-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c