Xã hội hóa chăm lo trẻ em

Thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh Long An làm tốt công tác xã hội hóa chăm lo trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Qua đó, giúp các em có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

 Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc

Trẻ em là đối tượng cần được bảo vệ và chăm sóc

Những ngày cuối tuần, chúng tôi có dịp về thăm chùa Giác Nguyên (thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc) - ngôi chùa đang cưu mang 25 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tại đây, chúng tôi được Trụ trì chùa Giác Nguyên - thầy Thích Lệ Phát kể về hoàn cảnh của từng em. Trong câu chuyện của thầy, chúng tôi cảm nhận được tình thương, sự quan tâm của thầy và bảo mẫu dành cho những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn nơi đây.

Thầy Thích Lệ Phát nói: “Mỗi trẻ ở đây đều có một hoàn cảnh khác nhau, trẻ thì mồ côi cha mẹ, trẻ bị bỏ rơi trước cổng chùa, trẻ sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể chăm sóc nên gửi vào chùa,... Khi nhận cưu mang các trẻ, nhà chùa xác định phải nuôi dưỡng bằng tất cả tấm lòng, tạo điều kiện cho trẻ đi học, có nghề nghiệp ổn định. Để có kinh phí nuôi dưỡng trẻ, chùa không chỉ dựa vào tiền của các phật tử đóng góp mà còn làm mứt bán quanh năm. Tuy vất vả nhưng chúng tôi cảm thấy hạnh phúc vì thấy được nụ cười trẻ thơ và chứng kiến các trẻ trưởng thành từng ngày”.

Nhằm chia sẻ gánh nặng với Đảng và Nhà nước trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Long An có 6 cơ sở ngoài công lập nhận nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ trẻ em: Cơ sở Bảo trợ xã hội (BTXH) Mái ấm An Lạc (chùa Pháp Tánh) có 43 trẻ; Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em mồ côi huyện Cần Giuộc (do Hiệp hội Les Enfants du dragon quản lý) có 10 trẻ; Trung tâm BTXH Tâm Đức có 49 trẻ; Cơ sở BTXH chăm sóc trẻ em mồ côi Thanh Bình có 10 trẻ; Trường TH, THCS, THPT Bồ Đề Phương Duy (Mái ấm Kim Chi, huyện Thủ Thừa) có 195 trẻ và chùa Giác Nguyên nhận nuôi 25 trẻ. Ngoài ra, tỉnh còn có 2 cơ sở công lập chăm sóc và nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Trung tâm Công tác xã hội và Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật.

Phó Hiệu trưởng Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh - Trần Thanh Phong cho biết: “Mỗi trẻ được đưa vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh là mỗi hoàn cảnh, tâm lý khác nhau. Theo đó, giáo viên, nhân viên nhà trường phải tìm hiểu tâm lý, biểu hiện của trẻ để có biện pháp dạy phù hợp. Bởi, nhiều em không chỉ khiếm khuyết một phần trên cơ thể mà còn chịu nhiều áp lực trong gia đình, nhất là gia đình có cha mẹ ly hôn và hộ nghèo. Những trường hợp này, nhà trường đặc biệt quan tâm, thường xuyên tạo điều kiện cho các em nhận quà từ các nhà hảo tâm, mạnh thường quân”.

Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua rà soát, toàn tỉnh có 358.374 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 23,51% tổng dân số, trong đó có 3.367 trẻ thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 0,94%; 14.213 trẻ thuộc nhóm trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chiếm 3,96%. Đây là những nhóm trẻ em rất cần sự chăm sóc của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chăm sóc dưới mọi hình thức. Và đến nay, chỉ tiêu này luôn đạt kế hoạch. Phụ huynh em Lê Công Được, ngụ khu phố Tân Bình, thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, cho biết: “Lúc nhỏ, Được bị sốt dẫn đến bại liệt, não kém phát triển. Biết được hoàn cảnh của Được, UBND xã không chỉ tạo điều kiện cho Được nhận trợ cấp xã hội dành cho người khuyết tật mà còn tặng xe lăn, quà nhân các dịp lễ, tết”.

Bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang được quan tâm, chăm sóc. Tin rằng, với sự quan tâm, chăm sóc đó, trẻ em ngày càng có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần./.

Kim Ngọc

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/xa-hoi-hoa-cham-lo-tre-em-a97203.html