Xã hội hóa để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân

Việc thiếu hụt phương tiện tránh thai sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng tránh thai và hậu quả tất yếu là không khống chế được mức sinh, ngoài ra còn làm tăng nạo phá thai và hậu quả là tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 – 2028. Nhu cầu sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.

Các chuyên gia nhận định, hệ thống y tế và dân số tại Việt Nam trong thời gian qua đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ và tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, cũng như phá thai còn rất đáng lo ngại.

Đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai. Ảnh TL

Đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo không bị thiếu hụt nguồn phương tiện tránh thai. Ảnh TL

Theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 (Điều tra SDGCW Việt Nam 2020-2021) do Tổng cục Thống kê, UNICEF và UNFPA thực hiện thì tổng nhu cầu không được đáp ứng về KHHGĐ đối với phụ nữ hiện đã kết hôn hoặc sống chung là 10,1%. Tỷ lệ này cao hơn so với 6,1% của Điều tra tương tự năm 2014.

Đối với phụ nữ có quan hệ tình dục, hiện chưa kết hôn hoặc không sống chung như vợ chồng, tổng nhu cầu KHHGĐ không được đáp ứng là 40,7%, cao hơn nhiều so với phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung.

Nhu cầu không được đáp ứng về KHHGĐ dẫn đến mang thai ngoài ý muốn và tỷ lệ phá thai cao. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai (53,6%). Tỷ suất phá thai là 68 ca trên 1.000 ca sinh ra sống.

Việc thiếu hụt phương tiện tránh thai sẽ làm giảm tỷ lệ sử dụng tránh thai và hậu quả tất yếu là không khống chế được mức sinh, ngoài ra còn làm tăng nạo phá thai và hậu quả là tăng tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), nếu thiếu 1 triệu USD (tương đương khoảng 23 tỷ đồng) trong việc hỗ trợ phương tiện tránh thai sẽ dẫn đến hậu quả làm tăng thêm 360.000 ca có thai ngoài ý muốn; 150.000 ca nạo phá thai; 800 ca tử vong mẹ và 11.000 ca tử vong trẻ sơ sinh.

ThS.BS Phạm Hồng Quân, Giám đốc Ban Quản lý Đề án 818 (Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, trước đây, người dân thực hiện chính sách KHHGĐ có nhu cầu về phương tiện tránh thai đều được Nhà nước cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, hiện nay, việc các đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai đã được thu hẹp quy định.

Mặt khác, kinh phí để mua phương tiện tránh thai cấp miễn phí trước năm 2010 về cơ bản là được tài trợ từ các nguồn vốn nước ngoài (ODA), song từ năm 2011 đến nay Việt Nam đã đạt được thu nhập bình quân đầu người tăng ở mức trung bình khá nên không còn thuộc diện được nhận viện trợ từ các nguồn vốn ODA.

Theo thống kê, đến nay, ngân sách Nhà nước cấp để mua phương tiện tránh thai khoảng từ 35-45 tỷ đồng/năm (đạt 10% so với nhu cầu) và đang có xu hướng giảm dần. Như vậy, đây là một khoảng trống trong việc đáp ứng đầy đủ kịp thời, đa dạng các phương tiện tránh thai trong bối cảnh nhu cầu của người dân ngày càng tăng cao.

Để giải quyết khoảng trống này, ThS.BS Phạm Hồng Quân nhấn mạnh: "Việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và hàng hóa KHHGĐ/SKSS; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Đây được coi là một trong những giải pháp huy động đóng góp của xã hội, tăng đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ, để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số được Đảng và Nhà nước giao phó".

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xã hội hóa, ngày 12/3/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818).

Sau quá trình triển khai, Đề án 818 đã đạt được nhiều kết quả bước đầu, góp phần cung cấp các sản phẩm, hàng hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ có chất lượng đến với người dân.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được của Đề án 818, ngày 25/2/2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030.

Đề án có mục tiêu chung là: Tăng cường khả năng tiếp cận phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nhóm dân cư có nhu cầu và có khả năng chi trả; chú trọng dự phòng, sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung tại cộng đồng theo phương thức xã hội hóa và huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội góp phần giảm gánh nặng ngân sách nhà nước tăng tính bền vững của công tác dân số và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Nguyễn Mai

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi-hoa-de-dam-bao-khong-bi-thieu-hut-nguon-phuong-tien-tranh-thai-dap-ung-nhu-cau-ngay-cang-cao-cua-nguoi-dan-172221120153244937.htm