Xã hội hóa giáo dục thể chất
Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM cùng Sở VH&TT TP ký kết chương trình phối hợp công tác giáo dục thể chất và thể thao cho học sinh giai đoạn 2020 - 2025.
Theo đó, 2 sở cùng thực hiện các nội dung phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể dục thể thao học đường; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể dục thể thao trong trường học; tăng cường phối hợp các nguồn lực xã hội để xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động thể dục thể thao học đường. Đặc biệt, liên ngành GD-ĐT và VH&TT cùng đẩy mạnh tổ chức phổ cập dạy và học bơi trong các trường học, từng bước triển khai đến lứa tuổi mầm non.
Phối hợp liên ngành GD-ĐT và VH&TT trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất được TPHCM thực hiện nhiều năm nay và khá hiệu quả. Không chỉ TPHCM, trong 5 năm trở lại đây, nhờ chương trình phối hợp 917 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ VH-TT&DL về chỉ đạo, quản lý, tổ chức công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, việc hợp tác liên ngành đã được triển khai rộng khắp cả nước, từng bước đi vào chiều sâu. Nổi bật trong sự hợp tác này là ngành GD-ĐT tranh thủ được điều kiện sân bãi tập luyện, cơ sở vật chất kỹ thuật cũng như chuyên môn của ngành VH-TT&DL. Với sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, cùng sự phối hợp, tiếp sức của ngành VH-TT&DL, chất lượng giáo dục thể chất trong nhà trường ngày càng khởi sắc.
Kết quả đánh giá chất lượng giáo dục thể chất năm học 2018 - 2019 cho thấy: Số trường học phổ thông thực hiện đầy đủ chương trình giáo dục thể chất đạt 100%; tỷ lệ học sinh thực hiện chương trình chính khóa đạt 95%; tỷ lệ học sinh được đánh giá và phân loại thể lực theo tiêu chuẩn rèn luyện thân thể đạt tỷ lệ cao (hơn 80%)... Tỷ lệ HS, SV tham gia tập luyện thể dục thể thao ngoại khóa đạt hơn 83%... Đặc biệt là hoạt động phòng, chống đuối nước ở trẻ em, cả nước đã tổ chức 36.298 lớp dạy bơi; số trẻ em tham gia học bơi là hơn 3,6 triệu; số trẻ biết bơi sau khi học bơi là hơn 2,1 triệu; số em được học kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước là hơn 4,9 triệu... Tỷ lệ trẻ em học bơi và biết bơi tăng nhanh, từ dưới 30% (2016) lên khoảng 35% (2018).
Mặc dù đạt được những thành quả đáng ghi nhận nhưng công tác giáo dục thể chất trong nhà trường vẫn gặp nhiều rào cản, nhất là cơ sở vật chất. Điều kiện sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao còn thiếu, nhất là các trường học khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Số liệu thống kê cho thấy, số trường không có sân bãi tập luyện còn cao: Tiểu học 77%; THCS 55%; THPT 35%. Tỷ lệ trường học có bể bơi chỉ chiếm 0,4%. Trên thực tế, dù liên ngành GD-ĐT và VH-TT&DL đã ký kết phối hợp nhưng việc các cơ sở giáo dục tranh thủ nguồn lực sân bãi, điều kiện cơ sở vật chất, chuyên môn của ngành VH-TT&DL không phải nơi nào cũng thuận lợi như nhau. Một trong những khó khăn trong công tác phối hợp là nội dung liên quan đến hành lang pháp lí, chính sách cho việc hợp tác, đóng góp mang tính xã hội hóa. Không ít cán bộ quản lý cơ sở cho biết, đôi lúc vì quyền lợi học sinh, đã linh động thực hiện các hình thức hợp tác trong giáo dục thể chất, phát triển thể thao học đường, nhưng vừa làm vừa… run.
Công tác giáo dục thể chất trong trường học có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, phát triển tầm vóc, thể lực, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho HSSV. Trong điều kiện nguồn lực của các cơ sở giáo dục còn hạn chế, tăng cường cơ chế phối hợp với các thiết chế thể dục thể thao, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thể chất là hướng đi đúng, đặc biệt khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều đổi mới, rộng mở các hoạt động ngoại khóa, tự chọn. Để hoạt động này phát huy hiệu quả, việc rà soát, ban hành và hoàn thiện cơ chế quản lý, chính sách huy động sự tham gia hợp tác, đóng góp với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học là rất cần thiết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/xa-hoi-hoa-giao-duc-the-chat-JfMqiM0Mg.html