Xã hội hóa giáo dục và những vấn đề cần quan tâm ở tỉnh Sơn La hiện nay
Hiến pháp năm 2013 quy định: 'Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục''. Đồng thời chủ trương xã hội hóa (XHH) giáo dục đã được quy định tại Điều 16 Luật Giáo dục năm 2019.
Điều đó, thể hiện rõ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta: XHH giáo dục là mở rộng đối tượng là chủ thể đầu tư cho giáo dục và đối tượng hưởng thụ giáo dục, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển giáo dục, cá nhân, gia đình và xã hội có trách nhiệm quan trọng trong việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và cũng chính là đối tượng thụ hưởng giáo dục.
Ảnh: Lam Giang
Chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước đã giúp cho nền giáo dục nước ta đạt được nhiều thành tựu nhất định. Số lượng trường, lớp tăng lên, cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau. Nhiều tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ về tiền, của, đất đai để xây dựng, nâng cấp các trường, lớp học; mối quan hệ giữa nhà trường – gia đình – xã hội ngày càng tăng cường gắn kết và phát huy hiệu quả…
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng XHH giáo dục chỉ là thu, nộp tiền để phát triển giáo dục; hoặc coi xã hội được quyền thụ hưởng nền giáo dục, còn việc đầu tư cho giáo dục là việc của Nhà nước. Trong xu thế phát triển giáo dục trên thế giới hiện nay, mọi người cùng làm giáo dục; đầu tư cho giáo dục đòi hỏi ngày càng cao, Nhà nước chỉ có thể tham gia đầu tư ở phạm vi nhất định, song vẫn giữ vai trò chủ đạo; các tổ chức, cá nhân và gia đình cùng tham gia đầu tư cho giáo dục với nhiều hình thức, mức độ khác nhau.
Cũng có nhiều người chưa hiểu đầy đủ về XHH giáo dục, chưa quan tâm đến nhiều nội dung rất quan trọng khác của XHH giáo dục, như: Chỉ quan tâm đến kết quả học của con, em mình mà không quan tâm việc học có khó khăn gì? năng lực thế nào? chế độ ăn uống ra sao?... Hoặc cho rằng, việc dạy học là việc của nhà trường, còn gia đình chỉ có trách nhiệm lo ăn mặc; không tham gia họp phụ huynh, trao đổi với giáo viên về việc học tập, rèn luyện của con em mình...
Trong Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh có quy định rõ Hội cha mẹ học sinh chỉ thu những khoản thu để phục vụ cho hoạt động của Ban đại diện, chứ không được thu để chi các chi phí quản lý, xây dựng cơ sở vật chất trong trường học...
Tuy nhiên, việc tự nguyện ủng hộ, viện trợ, tài trợ, đầu tư vào các cơ sở giáo dục chưa được mọi người hiểu và thực hiện đúng cách. Trong khi, có những gia đình có điều kiện kinh tế, có nhu cầu ủng hộ nhà trường, nhưng một số Ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường lại chưa biết khai thác, huy động đúng quy định, hiệu quả. Do vậy, mỗi dịp đầu năm học mới thường lại rộ lên vấn đề lạm thu, lại xảy ra tình trạng lợi dụng hội phụ huynh học sinh, tình trạng áp đặt, cào bằng để thu tiền, gây ra bức xúc cho người nộp.
Trước những bất cập hiện nay, để thực hiện XHH giáo dục đạt hiệu quả và bền vững, thiết nghĩ, cần phải thực hiện một số giải pháp sau đối với các nhóm chủ thể “gia đình", "nhà trường" và "xã hội":
Thứ nhất, đối với nhà trường, ngành Giáo dục cần tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền các cấp, kêu gọi các tổ chức, các nhân quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và các nguồn lực cho các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển giáo dục, nhất là ở tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Sơn La; phối hợp với các cơ quan truyền thông làm tốt công tác tuyên truyền về XHH giáo dục.
Có hướng dẫn cụ thể các cơ sở giáo dục cách thức thực hiện XHH giáo dục đúng, đủ và hiệu quả theo đúng quy định, nhất là thực hiện theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của UBND tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để phòng, chống tình trạng lạm thu, vi phạm pháp luật tại các cơ sở giáo dục.
Nhà trường tăng cường sự chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và xã hội để mọi người cùng tham gia tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường, như: Kế hoạch giảng dạy, hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm tìm hiểu lịch sử địa phương, kỹ năng sống, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó, gia đình, các tổ chức và cá nhân chia sẻ, có cách thức giúp đỡ nhà trường, giáo viên và học sinh thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai, đối với gia đình, có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc, tạo điều kiện cho con em được học tập, rèn luyện ở trường cũng như ở nhà; tham gia các hoạt động của nhà trường, cùng nhà trường giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc giáo dục con em, như: Chấp hành pháp luật giao thông; phòng chống ma túy, bạo lực học đường; chấp hành nội quy, quy chế của trường, của lớp…
Đồng thời, có trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ của con em; làm gương cho con em; cùng nhà trường nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục; quan tâm tới điều kiện sống, điều kiện học tập, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con em; tham gia giáo dục phẩm chất đạo đức, lối sống cho con em; quan tâm con em mình bị tác động thế nào trong quá trình phát triển của mạng xã hội, trước các tệ nạn xã hội? tích cực tham gia họp phụ huynh, tham gia chống bệnh thành tích trong giáo dục...
Thứ ba, đối với xã hội, ở đây được hiểu là kể cả nhà nước, các tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào quá trình XHH giáo dục và được thể hiện ở một số nội dung như sau: Các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ các nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục, như ban hành Nghị quyết để cả hệ thống chính trị và cộng đồng tham gia các công tác XHH giáo dục.
Các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thực hiện kế hoạch giáo dục của các cơ sở giáo dục: Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, vận động con em đến trường; tham gia phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục nghề, giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động trải nghiệm của nhà trường…. tuyên truyền học sinh không bỏ học; phòng chống vi phạm pháp luật…
Cộng đồng xã hội cần tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, ngăn chặn hoạt động có ảnh hưởng xấu đến người học; tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường, ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng nhà trường “Xanh – sạch – đẹp – an toàn”…
Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; tham gia quyên góp, ủng hộ việc xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục theo khả năng mà không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Việc quyên góp, ủng hộ thực hiện với nhiều hình thức khác nhau theo quy định của pháp luật (tránh sự cào bằng) như: Góp tiền, góp đất, góp công sức, góp tài sản… với tinh thần “Vì tương lai con em chúng ta”.
Với sự quan tâm chung sức, chung lòng thực hiện XHH giáo dục, xây dựng xã hội học tập, tin rằng sự nghiệp giáo dục của tỉnh Sơn La sẽ vươn lên phát triển hơn trong thời gian tới.
Cầm Văn An (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)