Xã hội hóa thu gom, xử lý chất thải rắn
Hiện nay, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tạo áp lực cho việc quản lý bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước kiểm soát ô nhiễm môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Bà Lê Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Sở tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Trong đó, tập trung làm rõ trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt; giao Phòng TN&MT làm đầu mối tham mưu giúp UBND cấp huyện về chất thải rắn; đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, vận chuyển, vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, đến nay, tỷ lệ chất thải rắn đô thị của tỉnh được thu gom, xử lý đạt trên 91,5%; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn thu gom đạt trên 83,5%. Trong đó, tại dọc các tuyến đường khu vực đô thị, mỗi điểm tập kết bố trí 2-3 thùng đựng rác, hoặc xe gom rác đẩy tay thu gom để xe chuyên dụng của Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Sơn La vận chuyển về nơi xử lý. Đối với khu vực nông thôn, phạm vi thu gom thực hiện tại các nơi có đủ điều kiện, sau đó chuyển đi xử lý. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu công nghiệp, thực hiện theo hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý tại các cơ sở trên địa bàn.
Công tác xử lý chất thải rắn hiện nay của tỉnh chủ yếu thực hiện bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp và phương pháp đốt. Riêng thành phố Sơn La có 1 khu liên hợp xử lý chất thải rắn công suất 80 tấn/ngày tại xã Chiềng Ngần, xử lý bằng phương pháp làm phân Compost và chôn lấp hợp vệ sinh.
Ông Ngọc Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị, phụ trách nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Sơn La, cho biết: Lượng chất thải rắn xử lý trong ngày, có khoảng 20-30% được xử lý theo phương pháp vi sinh tạo phân hữu cơ, còn lại xử lý theo phương pháp chôn lấp, hằng ngày phun thuốc diệt côn trùng và rắc vôi bột. Hiện nay, Nhà máy cơ bản đảm bảo xử lý hết toàn bộ chất thải rắn của Thành phố. Về lâu dài cần phải đầu tư, nâng cấp, vì dân số và lượng chất thải rắn phát sinh ngày càng tăng.
Tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, việc xử lý chất thải rắn tại đô thị thực hiện theo hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường Sơn La - Chi nhánh Mai Sơn. Các xã, bản, tiểu khu còn lại tuyên truyền, vận động các hộ tự thu gom, phân loại và xử lý bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh và thiêu đốt. Đến nay, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 77,62%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được duy trì thu gom, xử lý chôn lấp hợp vệ sinh đạt 93,5%.
Ông Lê Duy Thanh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mai Sơn, thông tin: Hiện nay, các xã, thị trấn trên địa bàn đều duy trì tổ thu gom rác; tuyên truyền, vận động thu gom và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình với mục tiêu “3 sạch”, tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ môi trường.
Tăng cường quản lý nhà nước về chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố làm tốt việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn; tăng dần nguồn thu phí vệ sinh, giảm dần hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện môi trường, theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải... Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom đạt 92,5%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom theo quy định đạt 88%.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/xa-hoi-hoa-thu-gom-xu-ly-chat-thai-ran-exhXYJNSg.html