Xã hội hóa trùng tu, xây dựng di tích
Từ nhiều năm trước, công tác xã hội hóa nhằm trùng tu, xây dựng các khu di tích lịch sử (DTLS) trên địa bàn tỉnh Long An đã được thực hiện rất tốt. Nhiều công trình uy nghi, bề thế, trở thành địa điểm giáo dục truyền thống quan trọng được xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.
Đền thờ liệt sĩ Long Khốt - công trình tiêu biểu
Cuối năm 2020, Đền thờ liệt sĩ khu vực Long Khốt được khánh thành trong niềm vui của cán bộ, chiến sĩ và người dân Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng. Khu vực Long Khốt được công nhận là DTLS cấp quốc gia năm 2019. Đền là nơi thờ cúng anh linh hơn 1.000 liệt sĩ đã hy sinh tại vùng Long Khốt để bảo vệ vững chắc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm nào cũng vậy, đúng vào ngày 19/5, người dân, cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 đều tổ chức lễ tưởng nhớ Bác Hồ và lễ giỗ liệt sĩ. Truyền thống đó được lưu giữ từ khi Đền thờ liệt sĩ Long Khốt mới xây dựng để tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của quê hương. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, khu vực Long Khốt là chiến trường ác liệt.
Từ năm 1972 - 1975, Sư đoàn 5 cùng bộ đội địa phương tổ chức nhiều trận đánh ác liệt, làm suy yếu binh lực địch khi ta tổ chức tấn công vào chi khu Long Khốt để giải phóng bằng được tuyến Đồng Tháp Mười.
Trong quá trình đó, có một số trận đánh tiêu biểu: Trận tấn công chi khu Long Khốt vào tháng 6/1972, tiêu diệt nhiều tên địch, phá hủy phương tiện chiến tranh, bắn rơi máy bay; trận thứ hai diễn ra vào tháng 4/1974, ta tấn công tiêu diệt chi khu Long Khốt, bắn rơi máy bay và phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Long Khốt, khai thông tuyến hành lang biên giới. Cũng trong trận này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 5 đã “gửi lại” máu xương nơi mảnh đất Long Khốt anh hùng.
Đến giai đoạn năm 1978, lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh và quân, dân địa phương đã không ngại hy sinh, bảo vệ thành công khu vực phía Tây Bắc tiền đồn Mộc Hóa, làm thất bại hoàn toàn âm mưu đánh chiếm Mộc Hóa và Đức Huệ của địch nhằm tấn công biên giới Tây Nam. Câu chuyện lịch sử vẫn được ghi nhớ và nhắc nhở đến ngày nay. Những chiến sĩ đã hy sinh được đồng đội và nhân dân tưởng nhớ, tên các anh được khắc vào bia đá đặt trong đền.
Đền thờ liệt sĩ khu vực Long Khốt đã trải qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, từ mái lá đơn sơ đến ngôi đền nhỏ được xây bằng gạch, mái lợp ngói đều có sự tham gia, đóng góp của đồng đội, người dân địa phương. Đến năm 2020, Đền thờ được xây dựng lại với quy mô lớn, ngay tại khu vực đền thờ cũ. Ngôi đền to lớn, uy nghiêm với cổng tam quan, hai miếu thờ, hai nhà chờ lục giác bằng gỗ,... trong khuôn viên rộng, đẹp, có tường rào bao quanh khiến ai nấy cũng nức lòng. Quan trọng hơn, toàn bộ kinh phí xây dựng đền lên đến hơn 50 tỉ đồng đều được xã hội hóa.
Từ khi được xây dựng, Đền thờ liệt sĩ khu vực Long Khốt trở thành điểm viếng thăm, giáo dục truyền thống quan trọng trong khu vực. Có dịp đến thắp hương tưởng niệm tại Đền thờ Long Khốt, chị Phượng Nhi (phường 4, TP.Tân An) cho biết: “Tôi đến viếng Đền thờ liệt sĩ khu vực Long Khốt vào một ngày tháng 3 cùng đồng nghiệp của mình. Đứng trong đền thắp nén hương lên bàn thờ Bác, bàn thờ các liệt sĩ trong không gian vừa uy nghiêm, vừa linh thiêng với âm vang tiếng trống khiến tôi có một cảm giác bồi hồi khó tả”.
Tấm lòng người ở lại
Không chỉ có Đền thờ liệt sĩ khu vực Long Khốt, rất nhiều công trình DTLS khác trên địa bàn tỉnh được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong đó, có thể kể đến Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 (huyện Châu Thành). Khu tưởng niệm được xây dựng năm 2021 với nhiều hạng mục: Đền thờ, khu mộ gió, khu nhà lưu niệm,... Tổng kinh phí xây dựng trên 20 tỉ đồng do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng.
Ngày khánh thành Khu tưởng niệm cũng là thời điểm đón nhận Bằng công nhận DTLS cấp tỉnh. Những cựu binh của Tiểu đoàn 263 từng có mặt trong trận Cầu Ván năm xưa không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhắc về những năm tháng hào hùng và đón nhận sự ghi nhớ, tri ân của thế hệ sau dành cho những hy sinh ngày đó. Cựu chiến binh Huỳnh Văn Ly từng chia sẻ: “Tôi thật lòng biết ơn người dân ở Cầu Ván luôn nhớ tới anh em chiến sĩ đã hy sinh. Nhờ có người dân mà sự anh hùng của những người ngã xuống không bị lãng quên”.
Thông tin từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, việc xã hội hóa xây dựng các di tích trên địa bàn tỉnh được thực hiện khá tốt cả việc kêu gọi xã hội hóa xây dựng, trùng tu các công trình và cấp phép cho doanh nghiệp tư nhân khai thác trong khu vực lân cận di tích. Những năm gần đây, nhiều công trình trùng tu, xây dựng tại các khu di tích với nguồn vốn lớn đều được xã hội hóa. Các công trình được xây dựng vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, vừa góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ.
Ngoài những khu di tích vận động được nguồn kinh phí lớn như đã kể, hầu hết công trình trùng tu DTLS trên địa bàn tỉnh đều được địa phương vận động xã hội hóa. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Châu Thành - Nguyễn Thị Yến cho biết: “Phần lớn di tích trên địa bàn huyện được trùng tu nhờ vào nguồn kinh phí xã hội hóa. Lớn nhất phải kể đến Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 263, ngoài ra còn có đình Tân Xuân, khu mộ Đỗ Tường Phong,... Sau khi được trùng tu, các khu di tích đều phát huy giá trị, đặc biệt là về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Đặc biệt, ngoài vận động kinh phí xây dựng, trùng tu các khu di tích, huyện Châu Thành còn vận động người dân hiến đất mở rộng khu vực bảo vệ di tích. Hai anh em ông Huỳnh Minh Thiện (ấp Bình Trị 1, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) đã đồng lòng hiến hơn 500m2 đất trồng thanh long phục vụ việc trùng tu, bảo vệ di tích phần mộ ông Đỗ Tường Phong - nhà yêu nước được người dân Châu Thành tưởng nhớ, thờ tại đình Tân Xuân.
Nói về điều này, ông Thiện bộc bạch: “Anh em tôi chỉ góp một phần nhỏ vào việc ghi nhớ công ơn của tiền nhân. Phần mộ của ông nằm ngay sau nhà tôi, giữa phần đất của anh em tôi, khuôn viên và đường vào mộ rất nhỏ nên khi có chủ trương mở rộng đường vào khuôn viên khu di tích, anh em tôi rất đồng tình. Mở rộng đường vào sẽ giúp mọi người dễ dàng đến viếng mộ ông, các em, cháu sau này sẽ biết và tự hào về thế hệ người đi trước”./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xa-hoi-hoa-trung-tu-xay-dung-di-tich-a134591.html