Xã hội hóa y tế - Những hiệu ứng tích cực
PTĐT - Chính sách xã hội hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, nhất là y tế, không chỉ giúp bù đắp thiếu hụt về tài chính mà còn mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân trong khám chữa bệnh...
Kỳ I: Hiệu quả mô hình “bệnh viện khách sạn”
PTĐT - Chính sách xã hội hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực xã hội, nhất là y tế, không chỉ giúp bù đắp thiếu hụt về tài chính mà còn mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ chính sách này đã tạo nên nhiều hiệu ứng tích cực, đó là các mô hình “bệnh viện khách sạn” xanh- sạch- đẹp ngày càng phát triển, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ, coi sự hài lòng của người bệnh là thước đo đánh giá chất lượng của các bệnh viện, cơ sở y tế trong toàn tỉnh.
Là Bệnh viện hạng I, quy mô trên 1.500 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tiên phong trong thực hiện mô hình “bệnh viện khách sạn” theo phương thức xã hội hóa. Với mục tiêu tạo không gian thân thiện, môi trường trong lành, sạch đẹp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã quy hoạch lại toàn bộ không gian kiến trúc, bố trí, sắp xếp các khoa, phòng, đơn vị trực thuộc khoa học, trồng nhiều cây xanh, khuôn viên có thảm cỏ, vườn hoa, cây cảnh có hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí. Bệnh nhân Thiều Thị Ánh Tuyết, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: “Bên cạnh thái độ ân cần của đội ngũ y, bác sỹ tôi cũng ấn tượng bởi các trang thiết bị, vật dụng được bố trí khoa học, sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ. Từ phòng khám đến phòng bệnh đều được lát gạch men và sơn tường màu trắng, phòng nào cũng rất sáng. Hàng ngày, bệnh nhân được thay ga trải giường, quần áo đảm bảo sạch sẽ, an toàn”.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 40 khoa, phòng trung tâm, trong đó có 8 phòng chức năng, 6 khoa cận lâm sàng, 16 khoa lâm sàng và 10 trung tâm, đã thực hiện được gần 50% các kỹ thuật vượt tuyến, trung bình mỗi ngày tiếp đón khám và điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân. Bác sỹ Hoàng Xuân Đoài - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Công tác xã hội hóa tại Bệnh viện được huy động bằng nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là vốn vay từ ngân hàng và quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Nhờ nguồn lực này mà bệnh viện đã có kinh phí đầu tư cải tạo, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, sạch đẹp; trang thiết bị khám chữa bệnh mới, hiện đại. Trong giai đoạn vừa qua, Bệnh viện đã đầu tư nâng cấp Trung tâm tim mạch, Trung tâm huyết học và truyền máu; xây dựng mới Trung tâm đột quỵ, Trung tâm ung bướu… để đảm bảo nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Cũng giống như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản Nhi quy mô 560 giường bệnh (trong đó có 110 giường điều trị nội trú), sau khi được đầu tư xây dựng mới bằng nguồn vốn xã hội hóa đã bố trí không gian với nhiều cây xanh thoáng mát, có đầy đủ ghế ngồi, nước uống. Các biển chỉ dẫn, hướng dẫn quy trình khám bệnh, bảng giá viện phí, hòm thư góp ý, số điện thoại trực 24/24 giờ được bố trí ở vị trí dễ nhìn thấy; sắp xếp bàn tiếp đón có nhân viên trực. Để đảm bảo môi trường xanh- sạch- đẹp, thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa, Bệnh viện thường xuyên tuyên truyền cho người bệnh, người nhà bệnh nhân nâng cao ý thức giảm thiểu sử dụng vật dụng bằng nhựa. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các quy trình hướng dẫn vệ sinh tay, vệ sinh môi trường và thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong toàn bệnh viện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp như hiện nay.
Đến thăm Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, chúng tôi nhận thấy sự đổi thay lớn từ diện mạo bên ngoài đến chất lượng hoạt động bên trong. Khu vực khám chữa bệnh sạch sẽ, tiện ích và hiện đại với hệ thống lấy số khám bệnh, báo gọi tự động; khu nhà điều trị nội trú 7 tầng chất lượng cao theo mô hình bệnh viện khách sạn với quy mô trên 230 giường bệnh đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, chăm sóc, điều trị. Người bệnh điều trị tại khu nhà chất lượng cao được nằm trong không gian khám chữa bệnh sang trọng, hiện đại, thoáng mát, có các buồng bệnh đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tiện nghi… tạo cảm giác thoải mái, thân thiện. Với hệ thống oxy trung tâm, hệ thống thông báo gọi điều dưỡng tới tận giường cùng đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tình, tâm huyết, người bệnh được chăm sóc và xử trí nhanh chóng kịp thời khi cần thiết.
Còn tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy, lối dẫn vào các khoa, phòng được bố trí hai dãy bồn cây cảnh xanh mướt chạy dọc hai bên hành lang. Cạnh đó dãy ghế ngồi như phòng chờ sân bay; hệ thống quạt mát cũng được lắp đặt khá đầy đủ. Chị Phạm Thị Hà, xã Bảo Yên chia sẻ: “Chúng tôi chờ tới lượt khám cũng thấy thoải mái, dễ chịu”. Thực hiện cuộc phát động triển khai “cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp” của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy đã đầu tư hệ thống cây xanh trong mỗi khoa, phòng, tạo “tiểu cảnh” bắt mắt giúp người bệnh thư thái hơn.Bác sỹ Nguyễn Long An- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy cho biết: Xây dựng bệnh viện xanh - sạch- đẹp tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức, trách nhiệm, thái độ thực hành của mỗi cán bộ, nhân viên y tế và người bệnh, từ đó tạo được niềm tin yêu cũng như sự hài lòng của người bệnh, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ y tế nhiệt huyết, hăng say hơn trong công việc.
Bên cạnh việc phát triển chuyên môn, các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện luôn xác định việc cải tạo, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình hoạt động của mình. Ông Lê Quang Thọ-Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch- đẹp là hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và sức khỏe cộng đồng, hướng tới sự hài lòng của người dân”. Nhờ đó chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên, hầu hết các chỉ tiêu về y tế được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra, các bệnh truyền nhiễm được kiểm soát chặt chẽ, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Việc vệ sinh môi trường, cung cấp đủ nước sạch và bố trí cây xanh, thảm cỏ sẽ ngăn chặn, giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên, người bệnh và người nhà người bệnh”.
Kỳ II: Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân