Xã hội học tập: Cần xây dựng tiêu chí 'đơn vị học tập'
Hướng tới xây dựng xã hội học tập, Bộ GD&ĐT đang xây dựng dự thảo Thông tư 'Quy định về đánh giá, xếp loại 'Đơn vị học tập' áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh và cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc huyện'. Nhiều chuyên gia góp ý, để không dẫn tới chạy theo thành tích, danh hiệu, Thông tư cần đưa ra các tiêu chí cơ bản, bám sát thực tiễn, bảo đảm dễ thực hiện, có tác dụng thiết thực.
Thúc đẩy học tập suốt đời trong các đơn vị
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, hiện nay, cuộc vận động các mô hình học tập đã trở nên rộng khắp. Đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 9.891.109 trong tổng số 20.577.78 gia đình trên cả nước được công nhận Gia đình học tập; 59.315 trong tổng số 117.389 chi tộc được công nhận Dòng họ học tập; 213.649 trong tổng số 307.700 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận Cộng đồng học tập; 37.635 trong tổng số 53.402 cơ quan, công xưởng, trường học... do chính quyền cấp xã quản lý được công nhận đơn vị học tập.
Hiện nay, mô hình học tập trên địa bàn xã gồm: Gia đình học tập, Dòng họ học tập, Cộng đồng học tập (thôn/bản học tập, tổ dân phố học tập) và Đơn vị học tập (cơ quan, công sở, trường học, doanh nghiệp do chính quyền cấp xã quản lý). Tuy nhiên, do đơn vị cấp xã có tổ chức đơn giản, không thể lấy tiêu chí đánh giá nó để áp dụng vào đánh giá các đơn vị ở cấp huyện và cấp tỉnh.
Căn cứ vào Quyết định 89/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” và Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, Bộ GD&ĐT đã xây dựng dự thảo Thông tư về tiêu chí đánh giá Đơn vị học tập để áp dụng việc công nhận các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện quản lý.
Tại phiên họp thảo luận về xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá Đơn vị học tập áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh và cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc huyện của Tiểu ban Giáo dục Thường xuyên và Học tập suốt đời, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, nhiều ý kiến thống nhất, cần thiết phải ban hành Thông tư để thúc đẩy học tập suốt đời trong các đơn vị. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần làm rõ mục đích xây dựng Thông tư, cũng như khái niệm về “Đơn vị học tập”, từ đó đưa ra các tiêu chí thích hợp.
Cần có cách tiếp cận mới nâng cao chất lượng tiêu chí
GS Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, cho rằng: Thông tư động viên tinh thần học tập của nhân dân. Nhìn tiêu chí dự thảo đưa ra khá rộng, khó quá vì các đơn vị học tập khác nhau không thể có chung tiêu chí cho điểm.
Các đơn vị học tập khác nhau (cơ quan, nhà máy, nông thôn, quân đội, công an…) có những tiêu chí khác nhau. Nên có những tiêu chí chung mang tính cốt lõi như số người tham gia học tập, học đi đôi với hành, động viên con cháu học tập có kết quả tốt; tạo được quỹ xã hội học tập để thúc đẩy phong trào xã hội học tập; Nhờ học tập mà xã hội trong đơn vị học tập đó có thay đổi về văn minh. Tuy nhiên các tiêu chí phải đo được để dễ thực hiện. Vì vậy, Thông tư cần ngắn gọn và cụ thể hơn và có cơ chế để kiểm tra, khen thưởng, phê bình, chấn chỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay bộ tiêu chí cơ bản đã phản ánh được các yêu cầu, nội dung đối với việc học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bà Vũ Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ GDTX cho biết, các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia đã chỉ ra tương đối rõ cách làm, hướng đi trong việc xây dựng Thông tư. Vụ GDTX sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia,các nhà khoa học để hoàn thiện Thông tư trong thời gian tới.
Về mặt khoa học, dự thảo Thông tư đã được xây dựng theo đúng cấu trúc, quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; có đầy đủ các thành phần như cấu trúc cần có của một Thông tư. Tuy nhiên, chúng tôi có đôi chút băn khoăn về tính pháp lý? Căn cứ vào các Quyết định 89/QĐ-TTg, Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư đã đủ căn cứ pháp lý chưa?”.
Theo GS. TS.NGND Nguyễn Mậu Bành, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký Hội Cựu giáo chức Việt Nam, đây là một cuộc vận động tuyên truyền để học tập cho mọi người, học tập suốt đời chứ không làm theo kiểu hành chính để đưa đến bệnh thành tích, thể hiện trong một số tiêu chí.
Vì vậy, vai trò tổ chức ở đây là cộng đồng tổ chức xã hội mà ở tại đơn vị là Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Khuyến học cơ quan (nếu có) dưới sự lãnh đạo của Đảng. Không quá nhấn mạnh vai trò tổ chức của chính quyền mà chính quyền chỉ có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân viên học tập.
Tuy nhiên về đối tượng điều chỉnh không nên chỉ áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc tỉnh và huyện mà nên là đối với tất cả cơ quan hành chính, sự nghiệp, kể cả Trung ương và địa phương. Cần phân biệt tính chất của đơn vị khác nhau về chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ văn hóa.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, Viện KHGD Việt Nam cũng cho rằng: Bộ tiêu chí về cơ bản đã phản ánh được yêu cầu cần đặt ra đối với việc học tập suốt đời của cán bộ công chức trong giai đoạn hiện nay. Cần xây dựng bộ tiêu chí riêng về công dân học tập.