Xã hội học tập - Động lực để phát triển

Việc học không chỉ để nâng cao trình độ mà còn giúp mỗi người có thể thích nghi với những chuyển biến trong xã hội. Để mọi người có cơ hội phát triển bản thân, đóng góp cho địa phương, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng xã hội học tập.

Các chiến sĩ Công an huyện Thủ Thừa dành thời gian đọc sách ngoài giờ làm việc

Các chiến sĩ Công an huyện Thủ Thừa dành thời gian đọc sách ngoài giờ làm việc

Từ phong trào học tập trong gia đình, dòng họ...

Để duy trì và phát triển phong trào học tập, nhiều hoạt động đã được triển khai. Trong đó, việc xây dựng các mô hình Gia đình học tập (GĐHT), Dòng họ học tập (DHHT) đã tạo nên sức lan tỏa lớn. Gia đình ông Nguyễn Văn Riếp (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học. Ông cũng là đại diện trưởng tộc của dòng họ Nguyễn ở ấp 1.

Theo ông Riếp, từ thời ông bà, cha mẹ ông luôn cố gắng tạo mọi điều kiện để con cháu được học tập đến nơi đến chốn. Vì vậy, dòng họ ông hiện có 16 người cháu, trong đó có đến 8 người cháu đã tốt nghiệp đại học.

Để duy trì và phát triển phong trào học tập trong dòng họ, ông Riếp đã không ngừng tìm tòi, học hỏi những kiến thức mới. Ông tham gia nhiều lớp dạy nghề, kỹ thuật nông nghiệp, các hội thảo do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức, tích cực cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng. “Bà xã tôi mất sớm nên gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhìn con mình không có mẹ bên cạnh, thua thiệt với bạn bè làm tôi xót xa lắm! Vì vậy, tôi quyết tâm nuôi con học tập đến nơi đến chốn. Cái gì tôi biết đều sẵn sàng chỉ dạy lại cho con cháu” - ông Riếp bộc bạch.

Ông Nguyễn Văn Riếp (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đọc sách tìm hiểu kiến thức cần thiết

Ông Nguyễn Văn Riếp (SN 1963, ngụ ấp 1, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) đọc sách tìm hiểu kiến thức cần thiết

Hai người con của ông Riếp là Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1993) và Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1995) đều học thành tài và có công việc ổn định. Với các con, ông Riếp không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn là người thầy, người bạn đồng hành từ khi trẻ thơ đến lúc trưởng thành.

Chủ tịch Hội Khuyến học xã Nhị Thành - Lê Thị Ngọc Xương thông tin: “Đến tháng 6/2024, Hội Khuyế n học xã có 5.092 hội viên, (HV) 6 tổ chức Hội, trong đó có 511 HV là đảng viên. Trong năm 2024, toàn xã có 552 hộ đăng ký mô hình GĐHT. Ông Nguyễn Văn Riếp hiện là HV Chi hội Khuyến học ấp 1. Gia đình ông được tỉnh công nhận là GĐHT năm 2019. Ông Riếp còn được Hội Khuyến học Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học. Hàng năm, gia đình ông đều đạt danh hiệu GĐHT của huyện Thủ Thừa”.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thủ Thừa - Huỳnh Thị Thu Loan, hiện huyện có 185 tổ chức Hội, tổng số HV là 35.662 trên tổng số dân 103.230 người. Trong năm 2023, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt danh hiệu Cộng đồng học tập (CĐHT), 100% đơn vị đạt Đơn vị học tập (ĐVHT), 488 cá nhân đạt Công dân học tập.

Phát huy tinh thần đó, huyện triển khai xây dựng các mô hình học tập năm 2024 với 98% hộ dân đăng ký mô hình GĐHT; 28 dòng họ đăng ký DHHT; 100% ấp, xã đăng ký CĐHT; 100% trường học, cơ quan các cấp đăng ký ĐVHT. Mô hình Công dân học tập cũng được triển khai cho người dân đăng ký ở tất cả các xã, thị trấn,...

“Phong trào khuyến học của tỉnh đang có những bước tiến rất đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có 2.571 tổ chức Hội Khuyến học, 567.724 HV. Tính đến tháng 7/2024, 4 mô hình học tập được triển khai rộng rãi với 393.611 hộ dân đăng ký GĐHT; 313 dòng họ đăng ký DHHT; 1.004 ấp, khu phố đăng ký CĐHT; 940 cơ quan, đơn vị, trường học đăng ký ĐVHT; gần 60.000 người đăng ký tham gia mô hình Công dân học tập. Đồng thời, Hội cũng trao tặng hơn 15.000 suất học bổng và gần 83.000 phần quà cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; đầu tư hơn 22 tỉ đồng để xây dựng và sửa chữa trường học;...”.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh - Đặng Ngọc Sơn thông tin

...đến phát huy tinh thần học tập suốt đời

Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cần Đước - Đoàn Thị Nguyệt cho biết: “Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đến nay, huyện có 4 mô hình học tập theo tiêu chí nâng cao; 43.162 hộ gia đình được công nhận GĐHT; 62 dòng họ được công nhận DHHT; 115/115 CĐHT thuộc ấp, khu phố; 79 ĐVHT”.

Một trong những GĐHT tiêu biểu tại huyện Cần Đước là gia đình anh Trương Quốc Việt (ấp Nhà Dài, xã Tân Lân). Nhờ học tập, anh Việt đã tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong ngành dịch vụ nấu ăn. Từ đó, gia đình anh giúp phát triển nghề mới ở địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Anh Việt chia sẻ: “Ngày còn trẻ, tôi luôn nhắc nhở bản thân rằng để có cuộc sống ổn định thì việc học tập là hết sức quan trọng. Học xong phổ thông, tôi tiếp tục học nghề với mong muốn có được công việc thích hợp.

Mỗi ngày, tôi đều cập nhật kiến thức mới để đáp ứng được nhu cầu của xã hội và không bị tụt hậu. Với tôi, học tập là chuyện suốt đời và dành cho mọi lứa tuổi”.

Vợ chồng anh Trương Quốc Việt (ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) lựa chọn đọc sách sau một ngày làm việc

Vợ chồng anh Trương Quốc Việt (ấp Nhà Dài, xã Tân Lân, huyện Cần Đước) lựa chọn đọc sách sau một ngày làm việc

Các mô hình học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh được xây dựng đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống xã hội của mỗi công dân, gia đình, đơn vị và cộng đồng. Từ đó, tạo thành phong trào toàn xã hội tích cực tham gia học tập và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân thực hiện trách nhiệm, quyền lợi được học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Em Đặng Son My (SN 2004, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức), sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, đang chuẩn bị hành trang du học theo chương trình liên kết quốc tế hình thức liên kết 2+2.

My tâm sự: “Ngoài học tập ở trường, em thường học và nghiên cứu dựa theo kiến thức trên các nền tảng mạng xã hội. Theo em, trong học tập, mỗi người cần phải biết tự tìm tòi, học hỏi. Điều này sẽ giúp con người nâng cao khả năng tư duy, tiếp nhận và sàng lọc thông tin. Ngoài ra, mỗi người đều cần có một người thầy để mỗi khi bế tắc sẽ có người chỉ hướng cho mình”.

Em Đặng Son My (SN 2004, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) ngoài học tập ở trường còn thường xuyên nghiên cứu kiến thức dựa theo tài liệu tìm được trên các nền tảng mạng xã hội

Em Đặng Son My (SN 2004, ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) ngoài học tập ở trường còn thường xuyên nghiên cứu kiến thức dựa theo tài liệu tìm được trên các nền tảng mạng xã hội

Chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả, My bộc bạch: “Để cân bằng giữa học tập và vui chơi, giải trí, trước tiên, tôi xây dựng thời gian biểu hợp lý và đặt mục tiêu rõ ràng.

Khi đạt được mục tiêu, chúng ta có thể nghỉ ngơi như một phần thưởng sau nhiều giờ học mệt mỏi. Phương pháp học tập cũng không kém phần quan trọng, đa dạng cách học sẽ làm cho việc học trở nên thú vị hơn”.

Xây dựng xã hội học tập có vai trò rất quan trọng đối với nền giáo dục nước nhà. Mỗi người cần xem học tập là nhu cầu không thể thiếu nhằm nâng cao giá trị bản thân, ổn định cuộc sống và tiến xa hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế và hội nhập trong thời đại mới./.

Dòng họ tiêu biểu trong phong trào học tập suốt đời

Ở xã An Thạnh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có một dòng họ học tập tiêu biểu. Dòng họ này từng nhận bằng khen của UBND tỉnh, được tuyên dương toàn quốc năm 2020...

Hoàng Lan - Thi Mỹ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xa-hoi-hoc-tap-dong-luc-de-phat-trien-a180097.html