Xã hội thượng lưu nước Mỹ và nỗi ám ảnh sự giàu có

Dù ra đời cách đây hơn một thế kỷ, 'Lề thói thị thành' vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và khiến người đọc không khỏi giật mình trước tham vọng và thủ đoạn của con người khi đối diện với ảo mộng phù hoa.

 Vogue tái hiện lại cuộc sống của nhà văn Edith Wharton (người mẫu Natalia Vodianova thủ vai) ở The Mount, nơi bà sống từ năm 1903 đến năm 1908. Nguồn: vogue.

Vogue tái hiện lại cuộc sống của nhà văn Edith Wharton (người mẫu Natalia Vodianova thủ vai) ở The Mount, nơi bà sống từ năm 1903 đến năm 1908. Nguồn: vogue.

Lề thói thị thành của nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch nổi tiếng người Mỹ Edith Wharton (1862-1937) xuất bản lần đầu vào năm 1913 là một tiểu thuyết về tập tục xã hội (novel of manners), thể loại trào phúng, phản ánh xã hội thượng lưu nước Mỹ và nỗi ám ảnh của họ với sự giàu có và địa vị xã hội.

Giấc mơ trở thành tâm điểm của giới thượng lưu

Edith Wharton nổi tiếng với các tiểu thuyết và truyện ngắn viết về xã hội thượng lưu và bản thân bà cũng được sinh ra trong môi trường đó. Wharton thuộc về một dòng họ danh giá lâu đời ở New York và có một thời gian sống ở châu Âu.

Lề thói thị thành là tiểu thuyết thứ 9 của Edith Wharton, xuất bản ngay sau khi bà ly hôn. Tác phẩm phản ánh trải nghiệm của chính tác giả và được đưa vào trong trang viết những quan sát sắc sảo về thói tục của xã hội mà bà đã sống trong đó suốt cuộc đời.

Lề thói thị thành đã tạo ra một trong những nhân vật nữ chính đáng nhớ và gây tranh cãi nhất trong nền văn học Mỹ, nữ chính nhưng lại có những nét tính cách có phần trái ngược với hình mẫu nữ chính thông thường (anti-heroine).

Undine Spragg là một người phụ nữ đặc biệt. Xinh đẹp và táo bạo, khao khát được mọi người ngưỡng mộ, người phụ nữ này quyết tâm vươn lên địa vị cao trong xã hội bằng mọi thủ đoạn. Cô chinh phục miền trung tây, New York và cả châu Âu.

Ngay chính gia đình Spragg cũng mang theo giấc mơ biến con gái trở thành tâm điểm của giới thượng lưu và họ đã không ngần ngại dốc cạn tài sản để đưa Undine đến New York. Ngặt nỗi, khi bị kẹt trong một khách sạn xa hoa mà họ khó lòng thanh toán nổi, giấc mơ ấy có nguy cơ tan vỡ. Tuy nhiên, với niềm tôn thờ vật chất, khao khát cuộc sống phồn hoa đẳng cấp, Undine quyết tâm bám trụ và chinh phục đỉnh cao danh vọng bằng tất cả sức quyến rũ cùng mánh khóe của mình.

 Lề lối thị thành nằm trong Tủ sách Văn học kinh điển của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: ML.

Lề lối thị thành nằm trong Tủ sách Văn học kinh điển của Nhà xuất bản Trẻ. Ảnh: ML.

Cái nhìn sâu vào thế giới bên trong nước Mỹ và giới nhà giàu mới nổi

Thông qua nhân vật Undine, Edith Wharton gửi gắm những nhận xét sắc bén về gia đình và hôn nhân, cách xã hội nhìn nhận về người phụ nữ, những tục lệ của xã hội Âu Mỹ, và ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản nước Mỹ lên văn hóa của đất nước này. Xuyên suốt cuốn sách, nhân vật Undine vừa thích ứng và lợi dụng tập tục xã hội (bao gồm việc kết hôn - ly hôn) để đạt được mục đích của mình, đồng thời cũng chất vấn các tập tục đó.

Thông qua ngòi bút sắc sảo và hài hước, Edith Wharton còn phơi bày bộ mặt thật của giới thượng lưu, nơi tiền bạc và quyền lực có thể chi phối tất cả mọi thứ. Chính vì lẽ đó, mặc dù ra đời cách đây hơn một thế kỷ, Lề thói thị thành vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn và khiến người đọc không khỏi giật mình trước tham vọng và thủ đoạn của con người khi đối diện với ảo mộng phù hoa.

Theo tiểu thuyết gia và sử gia nghệ thuật người Anh Anita Brookner “Lề thói thị thành của Edith Wharton mổ xẻ và phê phán những thủ đoạn và sự ngớ ngẩn của giới thượng lưu. Khi hé lộ câu chuyện của Undine Spragg, từ New York tới châu Âu, Wharton cho chúng ta nhìn sâu vào thế giới bên trong nước Mỹ và giới nhà giàu mới nổi.

Thông qua một nhân vật nữ chính vừa phù phiếm, ích kỷ, được chiều hư, vừa có sức thu hút khó cưỡng, thông qua một cốt truyện phức tạp và thú vị về những cuộc hôn nhân và những mối tình của Undine, tác giả thể hiện cái nhìn cho thấy sự thấu hiểu sâu sắc, không chút mơ mộng về hành vi xã hội”.

Còn Julian Fellowes, nhà sản xuất kiêm biên kịch của series phim truyền hình nổi tiếng về giới quý tộc Anh quốc - Downton Abbey, đã tuyên bố Lề thói thị thành là một nguồn cảm hứng để ông tạo nên bộ phim. “Với Undine Spragg, Wharton đã tạo ra một nhân vật nữ chính phi điển hình sánh ngang với Becky Sharp, Scarlett O’Hara…”. Becky Sharp là nhân vật nữ chính của Hội chợ phù hoa (William Thackeray), Scarlett O’Hara là nữ chính của Cuốn theo chiều gió (Margaret Mitchell).

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/xa-hoi-thuong-luu-nuoc-my-va-noi-am-anh-su-giau-co-post1544622.html