Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Huyện Than Uyên có nhiều dân tộc như: Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Tày… cùng chung sống, vì vậy trong phong tục tập quán, lối sống, ngôn ngữ còn nhiều bất đồng. Nhận thức và hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn trong cộng đồng. Thời gian qua, huyện Than Uyên chú trọng phát huy hiệu quả tổ hòa giải ở cơ sở, góp phần xây dựng tình đoàn kết trong cộng đồng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tham gia sinh hoạt cùng Tổ hòa giải bản Lả Mường (xã Mường Cang) chúng tôi được biết, tổ có 5 thành viên là công an viên, trưởng bản, hội phụ nữ và đoàn thể bản. Vừa triển khai họp xong, anh Lìm Văn Ngoan - Tổ trưởng Tổ hòa giải bản Lả Mường chia sẻ: “Mỗi tháng tổ sinh hoại một lần, nội dung sinh hoạt chủ yếu về: đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ hòa giải trong tháng; triển khai phổ biến các văn bản, quy định, nghị định mới. Nhiệm vụ của tổ là mỗi khi trong bản xảy ra trường hợp mâu thuẫn gây mất đoàn kết họ lại cùng nhau “đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người” để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu. Vận động Nhân dân không gây mất đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chấp hành pháp luật, nội quy, quy định của xã và quy ước, hương ước của bản. Từ năm 2020 đến nay, tổ đã hòa giải thành công được 2/2 vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai”.

Tổ hòa giải bản Lả Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Tổ hòa giải bản Lả Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên) tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Than Uyên có 131 tổ hòa giải với 687 hòa giải viên. Ông Hà Minh Như - Trưởng phòng Tư pháp huyện Than Uyên cho biết: “Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua phòng đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch, triển khai các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Hằng năm rà soát, kiện toàn và tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho các hòa giải viên. Qua rà soát, phòng đánh giá số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên, từ đó chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để củng cố, kiện toàn và được công nhận là hòa giải viên, góp phần nâng cao chất lượng tổ hòa giải phục vụ đắc lực cho công tác hòa giải ở cơ sở.

Cùng với Hội đồng phối hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Nhất là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân trong thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở để đạt hiệu quả cao và có chiều sâu, lan tỏa”.

Thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu kiến thức thông qua cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” để hòa giải viên ở các tổ có cơ hội, giao lưu, học hỏi kỹ năng. Cùng với đó, Phòng Tư pháp huyện Than Uyên đảm bảo chi trả kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải, mỗi tổ được hưởng 1,2 triệu đồng/năm theo Nghị quyết số 118/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2012 của HĐND tỉnh về quy định mức chi có tính chất đặc thù thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở và công tác hòa giải ở cơ sở để hỗ trợ các thành viên thực hiện công tác hòa giải.

Từ năm 2020 đến nay, huyện Than Uyên đã tổ chức tập huấn tại 8/12 xã, thị trấn với 419/687 hòa giải viên tham gia. Trong 5 năm gần đây, các tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiến hành hòa giải thành công 479/559 vụ việc ( đạt tỷ lệ 85,6%) chủ yếu là: tranh chấp từ quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình. “Tổ hòa giải đã kịp thời phát hiện, hỗ trợ tư vấn và giải quyết tốt nhiều vấn đề nảy sinh ở cơ sở. Qua đó, góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến những lĩnh vực dân sự; hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp ở cơ sở” – Ông Như cho biết thêm.

Ông Mạ Văn Luông ở bản Lả Mường chia sẻ: “Thường xuyên được Tổ hòa giải bản tới tuyên truyền, giải thích tôi đã hiểu biết hơn về các quy định, chính sách của pháp luật. Tôi và các thành viên trong gia đình luôn chấp hành đúng pháp luật, nội quy, quy định của xã và hương ước, quy ước bản, đoàn kết, giúp đỡ bà con hàng xóm”.

Tuy nhiên, công tác hòa giải cơ sở ở Than Uyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mặt bằng chuyên môn của hòa giải viên ở cơ sở chưa đồng đều; các tổ hòa giải chưa huy động được người có trình độ chuyên môn luật, có đủ tiêu chuẩn tham gia làm hòa giải viên tại cơ sở. Một số hòa giải viên là những trưởng bản, người có uy tín tuổi đã cao hạn chế về kiến thức tin học, chưa biết ứng dụng công nghệ thông tin, internet để khai thác tài liệu phục vụ cho công tác hòa giải. Cùng với đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho các hòa giải viên ở cơ sở…

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, thời gian tới, Phòng Tư pháp tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu, rộng pháp luật về hòa giải ở cơ sở. Chú trọng kiện toàn, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên... Từ đó, giúp công tác hòa giải cơ sở thực sự đi vào chiều sâu, góp phần tạo sự đồng thuận và tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, đảm bảo và giữ vững trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị tại cơ sở.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%C3%A1t-huy-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3-t%E1%BB%95-h%C3%B2a-gi%E1%BA%A3i-%E1%BB%9F-c%C6%A1-s%E1%BB%9F