Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

'Thời gian vừa qua, tôi được cán bộ hội các cấp giúp đỡ về cây, con giống; cử tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình tôi có động lực để cấy lúa, nuôi gà, thỏ, trồng chuối, xoài, mỗi năm, bình quân thu nhập của gia đình đạt 50 triệu đồng'- đó là lời chia sẻ của chị Vàng Thị Trúc (hội viên Chi hội Phụ nữ bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ) khi nhắc đến phong trào 'Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững'.

“Thời gian vừa qua, tôi được cán bộ hội các cấp giúp đỡ về cây, con giống; cử tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình tôi có động lực để cấy lúa, nuôi gà, thỏ, trồng chuối, xoài, mỗi năm, bình quân thu nhập của gia đình đạt 50 triệu đồng”- đó là lời chia sẻ của chị Vàng Thị Trúc (hội viên Chi hội Phụ nữ bản Huổi Hán, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ) khi nhắc đến phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững”.

Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình kinh tế của hội viên ở bản, chị Cao Thị Hợi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nậm Xe cho biết: Những năm qua, phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế bền vững” được các hội viên tham gia hưởng ứng nhiệt tình bằng nhiều mô hình hiệu quả. Ví dụ như: mô hình nấu rượu chuối, nuôi thỏ của nhóm hội viên bản Mấn 1, Huổi Hán; trồng khoai sọ, cây ăn quả của nhóm hội viên bản Dền Thàng, Po Chà… Tháng 9 vừa qua, hội vận động được 88 hội viên ở các bản: Mấn 1, Huổi Hán, Dền Thàng thực hiện mô hình thí điểm trồng 4ha lạc, gần 5ha đậu tương trên đất trồng ngô 2 vụ. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên tận dụng, khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, tích cực thâm canh tăng vụ, tăng thu nhập. Hiện nay, lạc, đậu tương lên mầm rất tốt.

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên phụ nữ xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng cây ăn quả của hội viên phụ nữ xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) cho hiệu quả kinh tế cao.

Ghé thăm mô hình kinh tế của gia đình chị Lý Thị Hương ở bản Dền Thàng, chúng tôi thấy chị đang tất bật với công việc, vừa chăm con nhỏ, vừa bán hàng cho khách. Chị là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi của xã với mô hình tổng hợp cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, vợ chồng chị Hương hiện nay đang chăm sóc 80 gốc nhãn, 120 gốc vải, 6ha chuối, 2 sào giềng, 5 sào nghệ, 1ha sắn; đang thu hoạch 8 sào khoai sọ; chung vốn với mấy nhóm hộ nuôi trên 50 con dê.

Chị Hương tâm sự: “Tận dụng diện tích đất gia đình sẵn có, vợ chồng tôi thử mỗi thứ một chút để có thu nhập quanh năm. Làm nhà nông mà không trồng trọt, chăn nuôi thì kinh tế gia đình sao vững được. Chỉ khi có thu nhập, việc mua sắm đồ dùng sinh hoạt gia đình trở nên dễ dàng, bố mẹ đỡ vất vả, các con có điều kiện học hành tốt hơn. Vì vậy, tôi và chồng bảo nhau phải cố gắng để phát triển kinh tế. Cửa hàng tạp hóa này tôi mới mở để phục vụ nhu cầu gia đình và bà con; còn thu nhập chủ yếu là dựa vào trồng trọt và chăn nuôi”.

Được biết, Hội LHPN huyện Phong Thổ có 17 hội cơ sở, 171 chi hội với 12.689 hội viên. Khi chúng tôi đề cập đến phong trào nổi bật của Hội LHPN huyện trong thời gian qua, đồng chí Tòng Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện khẳng định: Những năm gần đây, nhận thức của hội viên phụ nữ các bản, các xã có nhiều chuyển biến tích cực như: chủ động tham gia dọn vệ sinh môi trường, “giữ lửa” hạnh phúc gia đình để hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; rèn luyện phẩm chất đạo đức, phấn đấu vào Đảng. Đặc biệt, nhiều chị em thay đổi nhận thức, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đứng lên làm chủ kinh tế gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Nhằm tiếp thêm động lực cho hội viên tham gia phong trào này, hàng năm Hội LHPN huyện phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể, phòng chuyên môn của huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho phụ nữ được vay vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh từ nhiều nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng. Phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam (tổ chức phi Chính phủ quốc tế trong lĩnh vực chăm sóc trẻ thơ, bảo vệ trẻ em và cứu trợ thiên tai) hỗ trợ hội viên cây, con giống, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, hội LHPN các xã còn thành lập và duy trì các tổ tiết kiệm, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên trong cuộc sống. 9 tháng năm nay, Hội LHPN huyện phối hợp với Ban Điều hành Plan, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai 9 lớp tập huấn mô hình chăn nuôi gà. Phối hợp với Văn phòng Plan Lai Châu cấp phát 500 con gà sinh sản, nồi nấu rượu cho hội viên bản Thèn Thầu (xã Bản Lang); cấp hơn 100 con thỏ, giống lạc, đậu tương cho hội viên phụ nữ xã Nậm Xe… Duy trì 29 tổ tiết kiệm cho 259 hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Nhận ủy thác từ các ngân hàng trên địa bàn, hỗ trợ cho hơn 2 nghìn hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 95 tỷ đồng.

Từ sự hỗ trợ của hội LHPN các cấp và tính cần cù chịu khó, thay đổi tư duy sản xuất, đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi như: Vàng Thị Thuận (thôn Tây An, xã Mường So) với mô hình trồng nấm cho thu nhập trên 70 triệu đồng/năm; Lò Thị Xanh (bản Huổi Én, xã Mường So) với mô hình trồng rau sạch cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; mô hình kinh tế tổng hợp của chị Vàng Thị Phượng (bản Phai Cát, xã Khổng Lào) mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…

Nhờ sự nỗ lực của hội viên phụ nữ các cấp, mỗi năm có gần 100 hội viên phụ nữ thoát nghèo. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn huyện Phong Thổ trung bình 4,3%/năm.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-gi%C3%BAp-nhau-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng