Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Từng là địa phương có nhiều người dân sử dụng hàng nước ngoài, tuy nhiên vài năm trở lại đây nhờ giao thông thuận tiện, sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, người dân huyện vùng biên Phong Thổ đã ưu tiên dùng hàng trong nước sản xuất, tích cực hưởng ứng cuộc vận động (CVĐ) 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.

Đến thăm xã vùng cao biên giới Vàng Ma Chải những ngày gần đây chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay tích cực của địa phương. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện. Ở trung tâm xã, có sự gia tăng đáng kể của các cửa hàng tạp hóa, điều đáng chú ý các mặt hàng bày bán phong phú về mẫu mã và hàng sản xuất trong nước đã dần chiếm ưu thế.

Chị Chẻo Lụ Mẩy (ở bản Sì Choang) chia sẻ: “Tôi mở quán bán hàng tạp hóa 11 năm nay. Trước đây, quy mô cửa hàng nhỏ lẻ, diện tích chật hẹp, mặt hàng bày bán ít, trong đó có hàng xuất xứ từ Trung Quốc. Vài năm gần đây, khi mở rộng quy mô kinh doanh kết hợp nắm bắt xu thế của người tiêu dùng thích hàng trong nước sản xuất nên tôi ưu tiên nhập hàng Việt. Các mặt hàng của gia đình tôi bán đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng, thái độ phục vụ nhiệt tình nên lượng khách ổn định. Trung bình 1 năm sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi 120 triệu đồng từ bán tạp hóa”.

Hàng Việt được bày bán phổ biến tại các cửa hàng trên địa bàn xã Vàng Ma Chải.

Hàng Việt được bày bán phổ biến tại các cửa hàng trên địa bàn xã Vàng Ma Chải.

Lý giải rõ thêm về sự đổi thay tích cực của địa phương, đồng chí Chẻo Lao U - Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải nói: “Xã chúng tôi có đường tỉnh 132 chạy qua, kết nối với các xã: Sì Lở Lầu, Pa Vây Sử, Mồ Sì San. Lượng người qua lại khá đông, nhất là vào ngày chợ phiên (thứ 6 hàng tuần). Chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở chủ cơ sở ưu tiên nhập hàng Việt, chấp hành nghiêm các quy định trong kinh doanh gắn với công tác phòng chống dịch Covid-19”.

Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm xã cũng tiến hành kiểm tra về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm theo định kỳ và đột xuất. Đối với người dân, cán bộ xã vận động bà con sử dụng hàng trong nước. Giờ đây, trên 90% hàng hóa trong xã Vàng Ma Chải là hàng Việt Nam chỉ có một số hoa quả, dụng cụ sản xuất là của nước ngoài.

Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, không chỉ ở xã Vàng Ma Chải mà ở các địa phương khác của huyện Phong Thổ như: Dào San, Mù Sang, Huổi Luông, Sì Lở Lầu hay thị trấn Phong Thổ, các xã vùng thấp (Mường So, Khổng Lào, Hoang Thèn)... hàng Việt đã được Nhân dân đón nhận nhiệt tình. Không khó để chúng tôi tìm được các sản phẩm bánh, kẹo, sữa, nước ngọt, dầu gội, xà phòng mang nhãn hiệu trong nước sản xuất. Nhân dân hài lòng khi lựa chọn các sản phẩm “Made in Việt Nam”.

Chị Già Mỳ Ná (người dân ở bản Huổi Luông 1, xã Huổi Luông) nói: “Được cán bộ xã, bản tuyên truyền và qua thực tế sử dụng tôi thấy hàng trong nước tốt, có nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng, chất lượng đảm bảo. Thời gian tới tôi vẫn tiếp tục ủng hộ hàng Việt”.

Huyện Phong Thổ có 17 xã, thị trấn; trong đó 12/17 xã biên giới. Mặt bằng dân trí trong huyện không đồng đều, một số nơi đời sống Nhân dân còn khó khăn trong khi hàng giá rẻ của nước ngoài tìm cách xâm nhập thị trường, cạnh tranh với hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Trước tình hình đó, ngay sau khi có Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chỉ thị của Chính phủ trong việc triển khai CVĐ, Huyện ủy Phong Thổ đã đưa việc thực hiện CVĐ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo CVĐ huyện phối hợp với các bên liên quan tổ chức phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”. Cơ quan chức năng tổ chức các Hội nghị chuyên đề, buổi gặp gỡ doanh nghiệp, hợp tác xã để nắm bắt, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Công tác xúc tiến thương mại được tăng cường; công tác quản lý thị trường, kiểm tra chống hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng, bán hàng theo giá niêm yết được chú trọng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu, uy tín cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng như bảo vệ, tạo lập, củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng trong nước.

Về phía Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện, các đoàn thể chính trị huyện; cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã, thị trấn nghiêm túc quán triệt, triển khai CVĐ đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện, quan tâm nhân rộng những mô hình hay, cách làm mới. Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì, phối hợp với các phòng liên quan tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền về CVĐ tại 5 xã: Mù Sang, Khổng Lào, Sin Suối Hồ, Tung Qua Lìn và Bản Lang với tổng số 475 người tham gia.

Đồng chí Giàng A Vư - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phong Thổ, Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” huyện khẳng định: “Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn huyện Phong Thổ đã được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua CVĐ Nhân dân có cái nhìn toàn diện về hàng trong nước, từng bước hình thành thói quen tiêu dùng thông thái, lựa chọn hàng Việt trong tiêu dùng, thay đổi tư duy sính hàng ngoại”.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/huy%E1%BB%87n-v%C3%B9ng-bi%C3%AAn-%C6%B0u-ti%C3%AAn-d%C3%B9ng-h%C3%A0ng-vi%E1%BB%87t