Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Giá xăng những tháng gần đây tăng liên tiếp khiến doanh nghiệp, người dân vốn đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 lại càng thêm khó khăn.
Chiều 10/11, Liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ trong nước với giá xăng E5 RON 92 là 23.660 đồng/lít (tăng 550 đồng); RON 95 là 24.990 đồng/lít (tăng 660 đồng). Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, giá các mặt hàng xăng đã tăng lần thứ 5 liên tiếp từ đầu tháng 9 đến nay và hiện ở mức cao nhất trong hơn 7 năm qua.
Cùng với xăng, giá gas cũng có tới 9 lần tăng giá trong 11 tháng qua. Hiện giá gas cũng đang ở mức cao so với đầu năm. Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng ga trên địa bàn, giá mỗi bình ga 12kg hiện có giá dao động từ 480 – 500 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 100.000 đồng/bình so với nhiều tháng trước).
Hai năm qua, các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh phải chịu nhiều ảnh hưởng do đại dịch Covid-19. Có những thời điểm giãn cách xã hội, không được chạy liên tỉnh, xe phải “đắp chiếu”. Hoặc khi được mở cửa chạy lại thì lượng khách lưa thưa, nguồn thu không đủ bù chi. Nhiều doanh nghiệp càng chạy càng lỗ. Anh Trần Mường Thanh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Anh (thành phố Lai Châu) cho biết: Hiện nay chúng tôi có 40 đầu xe khách chạy các tuyến cố định Lai Châu - Mỹ Đình, Lai Châu - Nghệ An, Lai Châu - Nam Định và ngược lại, ngoài ra còn các tuyến nội tỉnh. Thời gian quá thực sự là thời điểm vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp vận tải hành khách. Đã gần như “kiệt sức” khi đối mặt với đại dịch khi khách không có, chi phí các loại thì không giảm, vậy mà giá xăng thì cứ tăng chóng mặt. Giá vé xe thì không thể liên tục điều chỉnh theo giá xăng. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành có giải pháp hỗ trợ cho các đơn vị vận tải vào lúc này để duy trì hoạt động trong điều kiện bình thường mới.
Quả như lời anh Thanh nói, chúng tôi có mặt tại Bến xe khách tỉnh vào cuối tuần, không khí thật ảm đạm, xe đỗ đầy nhưng khi xuất bến trên xe chỉ lác đác vài hành khách. Nhà xe nào cũng chung cảnh khó khăn này.
Không chỉ có các doanh nghiệp, người dân cũng lo lắng khi giá xăng tăng thì các mặt hàng khác cũng “tát nước theo mưa”. Những ngày này, chị Trần Ngọc Linh ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) đi chợ mà cứ giật mình thon thót vì giá các mặt hàng đều tăng. Đơn cử như hành lá trước đây chỉ 2-3 nghìn đồng/lạng thì nay loại rau gia vị này lên giá tới 7 nghìn đồng/lạng, hay bắp cải, cà chua, dầu ăn... cũng đều tăng giá. Có hôm chị phải mua cà chua với giá 30 nghìn đồng/kg, bắp cải 25 nghìn đồng/kg. Chị Linh tâm sự: Vợ chồng tôi làm lao động tự do, từ tháng 4 năm nay dịch bệnh bùng phát, công việc bấp bênh, thu nhập giảm nhiều mà giá xăng, giá gas rồi thực phẩm đều tăng cao khiến cuộc sống chật vật hơn trước.
Giá xăng tăng khiến chi phí vận chuyển tăng nên nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng, nhất là sắt, thép, gạch, ximăng... cũng tăng giá. Điều này làm đội chi phí làm nhà, nhiều hộ làm gần xong mà chi phí phát sinh nhiều phải loay hoay xoay xở.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với anh Trần Huy Quyền – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Lai Châu. Đây là đơn vị có số lượng cửa hàng kinh doanh xăng dầu lớn nhất tỉnh. Anh Quyền cho biết, hiện nay Công ty đang quản lý tổng số 28 cửa hàng xăng dầu. Trung bình mỗi ngày đơn vị bán ra thị trường khoảng 100 – 110m3 xăng dầu. Năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có thời gian nhiều đơn vị doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hoặc vận tải phải dừng hoạt động nên lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn giảm 10 - 15%. Hiện nay với việc mở cửa, thích ứng với đại dịch, các nền kinh tế đang trên đà phục hồi. Giá xăng trong nước tăng do phải nhập khẩu, mà giá dầu thô trên thế giới lại đang tăng cao. Công ty luôn chủ động đảm bảo nguồn cung, quản lý chặt chẽ các cửa hàng không để xảy ra tình trạng đầu cơ, tích trữ xăng dầu nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế trong nước, nguyên nhân giá xăng liên tục tăng là do sau khi cơ bản khống chế được đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đang đối mặt với giá hàng hóa, giá nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt giá xăng dầu tăng cao do các hoạt động kinh tế toàn cầu đang khởi sắc mạnh mẽ từ mức đáy của đại dịch. Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng nhanh, nhưng sản lượng khai thác dầu không tăng tương ứng, dẫn tới nguồn cung thắt chặt… Mặc dù, giá dầu thô tăng tới 60% trong năm nay nhưng các nhà khai thác không tăng sản lượng. Một nhân tố quan trọng đẩy giá dầu leo thang là việc Liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh (OPEC+) tuyên bố giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng, thay vì tăng sản lượng cao hơn như kêu gọi của các nước tiêu thụ dầu lớn như Mỹ và Ấn Độ. Bên cạnh đó, thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và đối mặt với mùa đông năm 2021 được dự báo là khắc nghiệt, lạnh sớm và lạnh sâu nên các nước đang tăng cường dự trữ xăng dầu càng làm giá dầu gia tăng.
Để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, những tháng cuối năm 2021 và tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; vừa qua, ngày 11/10/2021, Sở Công thương đã ban hành Văn bản số 1790/SCT-QLTM đề nghị các đơn vị liên quan, trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu: chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, cung ứng xăng dầu cho hệ thống phân phối nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân những tháng cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần. Thực hiện nghiêm việc niêm yết giá bán, thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định. Các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối hàng hóa tiêu dùng: Chủ động nắm bắt thị trường, tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 để có kế hoạch dự trữ hàng hóa; tích cực mở rộng các kênh phân phối hàng hóa đến các xã vùng sâu, vùng xa và cung ứng đủ số lượng, chủng loại hàng hóa... phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình giá cả các mặt hàng sẽ có nhiều biến động do giá xăng tăng cao. Hy vọng với sự vào cuộc của các ngành chức năng, giá cả thị trường sẽ sớm ổn định để người dân, doanh nghiệp hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, yên tâm lao động, sản xuất.