Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp huyện Phong Thổ chú trọng triển khai thực hiện trong thời gian qua. Qua đó, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức cho Nhân dân áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi khoa học, mở rộng ngành nghề kinh doanh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời giúp huyện giải quyết bài toán việc làm cho lao động nông thôn; tạo khí thế thi đua lao động sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Thời gian này, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Phong Thổ đang tích cực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và một số đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn thành phố mở các lớp đào tạo trồng trọt, chăn nuôi cho Nhân dân trên địa bàn.

Đồng chí Lò Văn Miên - Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Năm nay, huyện được giao đào tạo nghề cho 1.170 lao động nông thôn. Để đảm bảo đúng theo kế hoạch và nâng cao hiệu quả đào tạo, sau đào tạo, hàng năm, phòng phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát nhu cầu của người dân. Sau đó, thẩm định lại các mô hình có thể triển khai ở địa phương dựa trên điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Tham mưu UBND huyện xây dựng các danh mục đăng ký với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để triển khai các lớp đào tạo nghề. Ngay sau khi các danh mục ban hành, huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Với trách nhiệm là đơn vị chủ trì thực hiện, trong quá trình đào tạo, phòng cử cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, nắm bắt tình hình lớp học và đánh giá mô hình đào tạo xem có hiệu quả hay không.

Bà con thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ tham gia thực hành lớp đào tạo nuôi gà. Ảnh tư liệu

Bà con thôn Thống Nhất, thị trấn Phong Thổ tham gia thực hành lớp đào tạo nuôi gà. Ảnh tư liệu

Chúng tôi cùng cán bộ chuyên môn của phòng tham gia một buổi thực hành của lớp đào tạo chăn nuôi gà ở thôn Thống Nhất (thị trấn Phong Thổ). Lớp học này do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Xây dựng Hùng Vương JSC (thành phố Lai Châu) đảm nhận với hơn 30 học viên là người dân trong thôn, bắt đầu học từ giữa tháng 11; dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12. Tại đây, chúng tôi thấy tinh thần hăng say học hỏi của học viên và sự tận tình hướng dẫn của giáo viên về kỹ thuật chăm sóc gà theo từng giai đoạn; cách phòng bệnh, dọn vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc-xin.

Được biết, tham gia lớp đào tạo, học viên được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày thực học/người, sách, bút và tài liệu. Ngoài ra, lớp học còn được hỗ trợ trên 120 con gà giống chia làm 3 mô hình nhỏ cho 3 học viên trong lớp; mỗi mô hình còn nhận thêm bóng điện, cám, thuốc, vôi bột…

Chị Lò Thị Yến (học viên tham gia mô hình nuôi gà) chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi nuôi theo kiểu truyền thống, hiệu quả không cao, gà hay bị bệnh chết. Từ ngày tham gia lớp đào tạo này, tôi có thêm kiến thức nuôi gà như: biết thắp bóng điện sưởi cho gà mới nở; chăm sóc gà theo từng giai đoạn từ gà úm, gà con, gà giò rồi đến gà thịt; che bạt chuồng trại khi trời rét để bảo vệ gà; sử dụng vôi bột để khử khuẩn, vệ sinh chuồng trại. Nhờ đó, mô hình gà của tôi phát triển tốt.

Vừa dứt lời, chị Đèo Thị Vọn (học viên lớp học) phấn khởi: Đây là lần đầu tiên tôi tham gia lớp học nuôi gà. Nuôi gà theo hướng dẫn của cô giáo hiệu quả thật. Trước đây tôi mua được hơn chục con gà giống về nuôi theo tập quán cũ nhốt vào chuồng; ngày cho ăn uống đều đặn, thế mà gà chết còn lại 5 con. Bây giờ tham gia lớp học, tôi nuôi không chết con nào, gà lớn nhanh. Vui lắm cô ạ!

Năm 2021, huyện Phong Thổ tổ chức 39 lớp với 1.198 học viên, vượt 28 chỉ tiêu. Trong đó, chủ yếu là các lớp về trồng trọt như: quế, chè, cây ăn quả, thất diệp nhất chi hoa, mía; chăn nuôi - thú y (gà, lợn); du lịch, xây dựng. Được biết, hàng năm, sau đào tạo lao động ngắn hạn, huyện tổ chức đánh giá lại các mô hình. Theo thông tin từ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội cung cấp và chúng tôi đã đi thực tế, hầu hết các mô hình sau đào tạo bước đầu mang lại hiệu quả cao cho người nông dân; cách làm du lịch ở các bản văn hóa, du lịch trên địa bàn chuyên nghiệp hơn.

Anh Lý A Sài (ở bản Dền Thàng, xã Nậm Xe) cho biết: Năm 2020, gia đình tôi trồng hơn 2ha giống xoài Đài Loan. Trước khi trồng, tôi có tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng xoài. Trong quá trình trồng và chăm sóc, gia đình được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn cách trồng cây đảm bảo đúng kỹ thuật, bón lót phân, phòng bệnh và tỉa cành. Nhờ đó, cây xoài phát triển tốt, năm nay đã cho bói quả đầu tiên. Gia đình tôi để lại mỗi cây một quả theo hướng dẫn của cán bộ, quả rất to và ngọt. Với đà này, chắc chắn năm sau, xoài cho sai quả, đạt chất lượng, gia đình sẽ có thêm khoản thu nhập nữa.

Từ việc quan tâm đào tạo nghề, đến nay, trên địa bàn ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, cho thu nhập từ trên 30 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng mỗi năm. Huyện mở rộng diện tích trồng cây ăn quả trên 4.509ha; vùng nguyên liệu mía hơn 60ha, vùng chè tập trung gần 300ha; năm 2021 các xã trồng được 100ha cây quế... Tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đạt trên 95%. Nhờ đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện ngày càng phát triển; đời sống Nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt với thu nhập bình quân đạt 34 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 48,4% (theo tiêu chí hộ nghèo giai đoạn 2022-2025).

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-ngh%E1%BB%81-cho-lao-%C4%91%E1%BB%99ng-n%C3%B4ng-th%C3%B4n