Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với phương châm 'làm việc hết mình để phục vụ cộng đồng', những năm qua Bảo tàng tỉnh nỗ lực làm mới không gian, cách trưng bày tư liệu, hiện vật để giới thiệu đến khách tham quan tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử, đất và người Lai Châu.
Chúng tôi có dịp đến thăm Bảo tàng tỉnh Lai Châu, mặc dù công việc bận rộn, nhưng cán bộ của Bảo tàng tỉnh vẫn dành thời gian tiếp chúng tôi. Rót chén trà mời khách, anh Nguyễn Trọng Hiến - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Bảo tàng tỉnh hiện có trên 31.000 hiện vật về lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong đó, có nhiều hiện vật giá trị bằng đá, đồng có niên đại từ 3.000 - 4.000 năm. Với mong muốn được phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu giá trị lịch sử của Nhân dân, Bảo tàng tỉnh luôn cố gắng đổi mới, bố trí cách trưng bày theo từng chuyên đề để Nhân dân, du khách thập phương đến thăm dễ dàng tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa trong tỉnh.
Hiện nay, hệ thống trưng bày hiện vật của Bảo tàng tỉnh được chia thành 8 chuyên đề gồm: tổng quan tỉnh Lai Châu, công cụ mưu sinh, tín ngưỡng dân tộc Dao, nội dung bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi, văn hóa dân tộc Mông, nghề dệt truyền thống các dân tộc, văn hóa dân tộc Thái và chuyên đề "Hoàng sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý". Các chuyên đề được trình bày khoa học, đẹp mắt, từng bước đáp ứng nhu cầu tuyên truyền giới thiệu, giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử của các dân tộc trên địa bàn.
Em Vũ Thanh Huyền - Học sinh lớp 9A5 (Trường THCS Đoàn Kết, thành phố Lai Châu) sau khi tham quan tại nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh chia sẻ: "Mỗi lần đến thăm Bảo tàng tỉnh để lại cho em cảm xúc khó tả, bởi đến đây chúng em được biết nhiều hơn văn hóa, lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, được thưởng thức không gian trưng bày của 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, giúp em hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, càng thêm yêu quê hương, đất nước mình và quyết tâm phải học tập tốt để bảo vệ Tổ quốc thân yêu".
Với chức năng sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nhằm phục vụ nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của quần chúng Nhân dân. Hàng năm Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, phát hiện, bảo quản, trưng bày, giới thiệu hàng nghìn hiện vật về lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Từ đó, góp phần quan trọng trong việc truyền tải kiến thức về lịch sử, văn hóa cho du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu.
Vốn là người yêu thích văn hóa dân tộc, bà Nguyễn Thị Đợi (tỉnh Hòa Bình) đã lên Lai Châu vào thời điểm này để được hòa mình vào không khí Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông. Bà Đợi bảo: "Tôi rất thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam. Lai Châu là lần đầu tiên tôi đến, song cảm nhận với tôi rất đặc biệt từ khí hậu trong lành, ẩm thực hấp dẫn đến con người rất thân thiện, mến khách. Đặc biệt vào thăm nhà trưng bày Bảo tàng tỉnh, tôi được cung cấp nhiều thông tin quý về cuộc sống, văn hóa của con người Lai Châu.
Nhưng ấn tượng với tôi nhất là chiêm ngưỡng phiên bản bảo vật quốc gia Bia Lê Lợi. Bảo vật chính là minh chứng dù ở thời đại nào thì dân tộc ta luôn luôn đoàn kết đứng dậy đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Bởi vậy chúng ta phải trân quý, biết ơn và bảo vệ thành quả của các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để Nhân dân có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, phát triển ngày hôm nay".
Không chỉ phục vụ nhu cầu của Nhân dân tại nhà trưng bày, Bảo tàng tỉnh còn phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền văn hóa cơ sở như: trưng bày, thuyết minh, giới thiệu các chủ đề sự kiện chính trị của ngành, địa phương, cả nước. Trong năm, Bảo tàng tỉnh còn tổ chức trưng bày tại các huyện, thành phố với chuyên đề 76 năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường của Chủ tịch Hồ chí Minh; chủ đề Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - những chặng đường vẻ vang đã tạo được dấu đậm nét trong lòng du khách tham gia, tìm hiểu. Chỉ tính riêng năm 2021, đã đón tiếp gần 14.000 lượt khách trong và ngoài tỉnh, khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử tại địa phương.
Với những kết quả đạt được, thời gian tới Bảo tàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trưng bày, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: trải nghiệm nghề thủ công, trình diễn văn hóa, tổ chức nói chuyện chuyên đề và rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác. Hứa hẹn sẽ thỏa mãn được nhu cầu tìm hiểu lịch sử văn hóa truyền thống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và du khách thập phương.