Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Đồng thuận di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Phong Thổ đã có nơi ở mới an toàn. Năm nay bà con yên tâm sinh sống, lao động sản xuất, phát triển kinh tế và hân hoan đón xuân trên vùng quê mới.

Thống nhất chủ trương

Nhắc đến thiệt hại thiên tai trên địa bàn huyện Phong Thổ những năm gần đây chắc hẳn nhiều người sẽ không thể quên vụ sạt lở đất xảy ra vào đầu tháng 8 năm 2018 ở bản Nhóm I (xã Vàng Ma Chải). Lúc ấy, mưa lớn kéo dài kèm theo sạt lở đất đã làm 6 người chết, 5 người mất tích, nhiều nhà, hoa mầu bị ảnh hưởng. Cùng với thăm hỏi, động viên, giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, UBND xã Vàng Ma Chải đã tuyên truyền, vận động các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở chuyển đến nơi ở mới; đồng thời có cơ chế, chính sách giúp đỡ các gia đình trong quá trình di chuyển.

Anh Lý A Khoa người dân bản Nhóm II, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (thứ 2 từ trái sang) phấn khởi chia sẻ với cán bộ xã về nông sản gia đình đã sản xuất và thu hoạch được.

Anh Lý A Khoa người dân bản Nhóm II, xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ (thứ 2 từ trái sang) phấn khởi chia sẻ với cán bộ xã về nông sản gia đình đã sản xuất và thu hoạch được.

Anh Chẻo Lao U - Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho hay: “Xã đã huy động từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ bà con. Qua quá trình vận động đã có 26/28 hộ di chuyển từ những vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở đến các vị trí an toàn khác của bản Nhóm I và bản Nhóm II. Hiện nay, 26/26 hộ đã có nhà xây cấp 4, đổ mái bằng trở lên, đời sống của bà con ổn định hơn nơi ở cũ rất nhiều”.

Từ trung tâm xã Vàng Ma Chải, chúng tôi đến thăm các hộ dân ở bản Nhóm II khi tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần. Sau lớp sương mù dày đặc, những ngôi nhà xây kiên cố bắt đầu hiện ra cạnh con đường rải nhựa. Trong số đó, không ít ngôi nhà xây 2 tầng, có diện tích sử dụng trên 200m2, còn thơm mùi sơn mới, tạo điểm nhấn cho vùng biên đang từng ngày đổi thay.

Anh Lý A Khoa (người dân bản Nhóm II) bộc bạch: “Năm 2018, khu vực gia đình tôi ở cũ có nhiều nhà bị rạn nứt, riêng ngôi nhà gỗ của vợ chồng tôi bị đất vùi lấp một phần diện tích. Lo sợ độ an toàn cho cả gia đình nên khi xã có chủ trương di chuyển ra nơi ở mới gia đình tôi đồng thuận di chuyển ngay vào tháng 10/2018. Thời điểm đó, chúng tôi được UBND xã, các nhà hảo tâm hỗ trợ tổng số 40 triệu đồng. Gia đình dùng số tiền tiết kiệm, vay thêm ngân hàng 50 triệu đồng để xây ngôi nhà mới trị giá 160 triệu đồng. Hiện nay, gia đình đủ điều kiện chi tiêu sinh hoạt, nuôi các con. Ở đây, cũng gần trung tâm xã, đi lại, ra chợ rất tiện lợi, con cái đi học dễ dàng, không vất vả”.

Vui nhất trong năm nay có lẽ là gia đình anh Lý Chỉn Liều (ở bản Nhóm II) sau hơn 3 năm di chuyển đến nơi ở mới, nhờ chăm chỉ trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán, gia đình anh đã xây dựng được ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang trị giá trên 800 triệu đồng. Giờ đây, ngôi nhà của anh chị đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đón xuân mới.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Phong Thổ là địa phương thường xuyên phải hứng chịu sự tác động của thiên tai. Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, thiên tai đã làm chết 11 người, mất tích 6 người, bị thương 25 người, 4.028 nhà ở bị thiệt hại, 79 công trình giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi khác bị hư hỏng. Ngoài ra, hàng trăm con gia súc, gia cầm; nhiều diện tích cây dược liệu, cây ăn quả, hoa mầu bị dập nát, cuốn trôi. Điều này làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của Nhân dân.

Sau khi di dời đến nơi ở mới, nhiều hộ dân ở bản Nhóm II (xã Vàng Ma Chải) có cuộc sống ổn định và xây dựng nhà ở khang trang.

Sau khi di dời đến nơi ở mới, nhiều hộ dân ở bản Nhóm II (xã Vàng Ma Chải) có cuộc sống ổn định và xây dựng nhà ở khang trang.

Với các hộ nằm trong diện có nguy cơ sạt lở, việc di dời là rất cần thiết. Do đó, hàng năm UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn việc triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng và phê duyệt các phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn theo quy định. Chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện rà soát, lập phương án di dời các hộ dân bị ảnh hưởng do thiên tai. Bố trí nguồn kinh phí và vận động sự ủng hộ đóng góp của các tổ chức chính trị xã hội, nhà hảo tâm để thực hiện di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở.

An cư lạc nghiệp

Đồng chí Trần Bảo Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho Nhân dân, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã thực hiện di chuyển 329 hộ dân tại 16 xã, thị trấn ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở (trong đó di chuyển xen ghép là 234 hộ, di chuyển tập trung 95 hộ). Riêng năm 2021, di chuyển 10 hộ, 43 nhân khẩu. Các hộ dân di chuyển đến nơi ở mới được đảm bảo về đất ở, được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, cuộc sống ổn định, yên tâm sản xuất, định cư lâu dài để phát triển kinh tế”.

Điểm bản tái định cư Hồng Thu Mán (xã Lản Nhì Thàng) là 1 trong 2 khu vực di chuyển tập trung. 79 hộ dân sinh sống ở đây đều từ những vùng có nguy cơ sạt lở ở 3 bản: Hồng Thu Mông, Lùng Cù Seo Pả và Hồng Thu Mán chuyển về năm 2019. Được bố trí đất ở, hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà/hộ, được làm đường bê tông, lắp đặt điện lưới quốc gia, nước sạch, giờ điểm bản đang được xây thêm 3 phòng học dành cho học sinh mầm non, tiểu học, trạm y tế cũng rất gần, các gia đình yên tâm gửi gắm hy vọng ở vùng đất mới.

Một góc điểm bản tái định cư Hồng Thu Mán (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ).

Một góc điểm bản tái định cư Hồng Thu Mán (xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ).

Anh Tẩn Phủ Duần - Trưởng bản Hồng Thu Mán cho biết: “55/79 hộ dân sinh sống ở điểm bản tái định cư là người của bản Hồng Thu Mán. Tôi thấy, được chuyển về nơi ở an toàn, bà con phấn khởi, thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của đảng, cấp ủy, chính quyền địa phương, chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định địa phương, quy ước bản. Bà con chăm chỉ cấy lúa, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giờ đây, 100% số hộ có nhà đảm bảo tiêu chí 3 cứng, gia đình nào cũng có xe máy, con học hành đầy đủ, cuộc sống dần cải thiện hơn so với trước đây”.

Ở xã biên giới Sì Lở Lầu, trong năm 2021 cũng có 4 hộ dân, 14 nhân khẩu sống ở ven núi 2 bản: Gia Khâu, Xin Chải trong diện di dời. Theo anh Tẩn Lao San - Phó Chủ tịch UBND xã, các hộ dân di chuyển xen ghép từ tháng 7/2021, giờ cơ bản ổn định chỗ ở, làm ăn bình thường. Mùa xuân mới đang đến gần, cùng với sắc thắm của hoa đào, các gia đình bắt đầu sắm sửa đồ đạc, dọn dẹp nhà đón xuân.

Di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở là chủ trương đúng đắn của huyện Phong Thổ. Vấn đề huyện quan tâm hiện nay là còn 32 hộ dân của xã Bản Lang đang nằm trong vùng nguy cơ cao bị đá lăn, sạt lở đất, cần phải di dời. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND xã Bản Lang rà soát, bố trí địa điểm nơi ở mới cho người dân. Huy động các nguồn lực đầu tư san gạt mặt bằng, hỗ trợ làm nhà, đầu tư các công trình thiết yếu… để đảm bảo người dân đến nơi ở mới an toàn, có cuộc sống bằng hoặc hơn nơi ở cũ.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/v%E1%BB%81-n%C6%A1i-%E1%BB%9F-m%E1%BB%9Bi-an-to%C3%A0n