Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, người dân xã Thu Lũm (huyện Mường Tè) có nguồn thu nhập ổn định từ rừng. Để giữ bình yên cho những cánh rừng, chính quyền, Nhân dân xã Thu Lũm đang tập trung thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô.
Trở lại Thu Lũm những ngày trung tuần tháng 3, hình ảnh những cánh rừng được phủ một màu xanh mướt, bà con dân tộc Hà Nhì đang tổ chức thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa giúp chúng tôi hiểu rằng người dân trên vùng đất biên cương cực tây Tổ quốc đang thực hiện các biện pháp PCCCR. Đưa chúng tôi đi thăm khu rừng cấm của bản, ông Lỳ Ló Xá (ở bản Thu Lũm) chia sẻ: Theo phong tục của người Hà Nhì mỗi cánh rừng đều có một vị thần canh giữ, mỗi bản của người Hà Nhì đều có khu rừng thiêng riêng; cuộc sống của dân bản có mối liên hệ mật thiết với những cánh rừng và mọi người dân đều có trách nhiệm bảo vệ. Cái lý bảo vệ rừng của người Hà Nhì có từ lâu đời và trở thành luật tục, những hành động xâm phạm đến rừng đều bị lên án và có những hình phạt thích đáng. Thêm vào đó, những năm qua, từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, bà con đã có nguồn thu nhập ổn định từ rừng nên ý thức giữ rừng của người dân càng nâng lên. Chỉ tính riêng năm 2021, trung bình mỗi hộ trong bản được nhận gần 20 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Những ngày này khi nắng nóng kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng cao, người dân trong bản chủ động tham gia thực hiện các biện pháp PCCCR như: thu dọn thực bì, phát đường băng cản lửa; phát nương, đốt nương đúng kỹ thuật; tham gia cùng các lực lượng tuần tra bảo vệ rừng tại các khu vực giáp ranh với các bản: Pa Thắng, Ló Na, Gò Khà và khu vực biên giới giáp với nước bạn Trung Quốc.
Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, công tác PCCCR đang được bà con dân bản Ló Na chủ động triển khai thực hiện. Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Cá Che - Trưởng bản Ló Na chia sẻ: Bản có trên 60 hộ với gần 350 nhân khẩu, 100% là dân tộc Hà Nhì. Bản được giao chăm sóc và bảo vệ khoảng 1.100ha rừng. Với dân bản, những cánh rừng như là da thịt của mình vậy. Để giữ bình yên cho những cánh rừng, chúng tôi đã thành lập đội xung kích với sự tham gia của 100% hộ trong bản. Vào những thời điểm thời tiết cực đoan, nguy cơ cháy rừng cao, bản chủ động tổ chức phát dọn thực bì, phát đường băng cản lửa tại những vị trí giáp ranh của các khu rừng nhằm hạn chế thấp nhất những vụ cháy rừng.
Cùng với đó, vào những ngày thời tiết diễn biến phức tạp, bản đã thành lập các tổ tuần tra tại những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao. Thường xuyên tổ chức những buổi họp bản tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương theo đúng quy trình kỹ thuật, khi đốt nương phải báo với đội xung kích và bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng, nhiều năm qua, diện tích rừng do bản quản lý chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào và luôn phát triển ổn định; cuộc sống của bà con ở bản đã ổn định hơn nhiều do được thụ hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước.
Ông Chu Mụ Hừ - Phó Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: Xã Thu Lũm có 9 bản, khoảng 500 hộ dân với gần 2.500 nhân khẩu được giao chăm sóc bảo vệ trên 9.000ha rừng. Năm 2021, xã thực hiện chi trả gần 10 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đây là nguồn thu nhập ổn định và bền vững của bà con. Nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, công tác PCCCR luôn được xã chủ động triển khai với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ).
UBND xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống cháy rừng cấp xã và phối hợp với cán bộ kiểm lâm phụ trách xã tăng cường xuống các bản đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục Nhân dân và thực hiện ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với PCCCR. Đồng thời, thành lập đội cơ động bảo vệ rừng của xã trên 35 người với sự tham gia của các lực lượng như: kiểm lâm, bộ đội biên phòng, công an, dân quân, đoàn thanh niên…; chỉ đạo 9/9 bản thành lập các đội cơ động xung kích bảo vệ rừng chủ động chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy tại các gia đình (cuốc, xẻng, thùng tưới nước…) tham gia ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra với rừng.
Rừng có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống của người dân xã Thu Lũm. Bà con đã nâng cao nhận thức, chủ động, tích cực tham gia thực hiện các biện pháp PCCCR, nhờ đó trong nhiều năm qua trên địa bàn không xảy ra cháy rừng. Những cánh rừng tại xã Thu Lũm ngày một thêm xanh, Nhân dân trong xã luôn có nguồn thu ổn định từ việc chăm sóc và bảo vệ rừng.