Xã Hội TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với gần 140 nghìn lượt hội viên, những năm qua, hội viên Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình đã luôn đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, thế mạnh, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Hội viên nông dân đã thực sự phát huy tốt vai trò chủ thể phát triển nông thôn.
Bám sát đặc điểm của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, các cấp Hội Nông dân ở Hòa Bình đã tích cực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho nông dân về vốn và kiến thức. Với sự hỗ trợ của Hội, hàng nghìn lượt hội viên đã tìm được hướng đi bền vững trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo và thoát nghèo bền vững. Nhiều nông dân trong tỉnh đã vươn lên làm giàu bằng nghị lực của bản thân, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư hàng tỷ đồng vào sản xuất, tạo phong trào thi đua sôi nổi. Điển hình như: Phong trào nhân dân tỉa cành, tạo tán, cải tạo vườn cây ăn quả; phong trào nông dân chuyển đổi sản xuất hữu cơ; phong trào cải tạo, nâng cao chất lượng đàn vật nuôi;… Từ những phong trào này, đã xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp mới cho hiệu quả kinh tế cao, ngày càng được nhân rộng trên địa bàn tỉnh tiêu biểu như: Trồng cam, bưởi, nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP,... Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất, giúp tạo việc làm ổn định, góp phần tăng nguồn thu nhập cao cho nhiều hội viên.
Đặc biệt, với phương châm đồng hành cùng hội viên nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, Hội Nông dân các cấp ở Hòa Bình đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình kinh tế; duy trì và vận hành quỹ Hội, nhận ủy thác với các ngân hàng để hỗ trợ hội viên. Tập trung chú trọng công tác đào tạo nghề; tập huấn, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho bà con. Các cấp Hội cũng tích cực kết nối, hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, tổng dư nợ các ngân hàng do Hội quản lý đã đạt hơn 3.550 tỷ đồng; với trên 61.000 hộ nông dân được vay vốn phát triển kinh tế. Công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn thực sự hiệu quả đã tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy mô, đổi mới tư duy sản xuất, góp phần hình thành và phát triển các mô hình trang trại, gia trại, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, các mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Theo đồng chí Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, toàn tỉnh đã có trên 36.600 hộ đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp đỡ vốn, giống cây trồng, vật nuôi và kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nghèo. Nhờ vậy, từ năm 2016 đến nay, bình quân hằng năm toàn tỉnh Hòa Bình đã có hơn 1.000 hộ nông dân thoát nghèo. Hơn 10 năm qua, Hòa Bình cũng đã có gần 250 tổ hợp tác, 73 hợp tác xã, 87 chi, tổ hội nghề nghiệp được hướng dẫn thành lập. Đây trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), chị Hoàng Thị Thanh Thúy chia sẻ, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình tôi đã mạnh dạn xây dựng mô hình trang trại nuôi bò sữa. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, bình quân một ngày khai thác được 20 lít sữa/con; trung bình sản lượng sữa bán ra thị trường mỗi ngày đạt khoảng 300 lít /ngày. Hằng năm, sau khi trừ chi phí các loại, trang trại bò sữa đã mang về cho gia đình chị Thúy thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng.
Được biết, để hội viên nông dân thực sự là chủ thể phát triển nông thôn, Hội Nông dân các cấp cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn mới; cải tạo hệ thống điện và vệ sinh môi trường; tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn, hướng dẫn các chủ hộ, chủ trang trại, gia trại và hội viên thực hiện: chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao giá trị sản phẩm; vận động phát triển kinh tế tập thể; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh,... Thời gian qua, các cấp Hội đã vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới; đóng góp gần 20.400 ngày công lao động, hiến trên 31.900 m2 đất để làm các công trình như đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nhà văn hóa, phòng học…; tham gia làm mới và sửa chữa 288 km đường giao thông nội đồng, kênh mương đã được kiên cố hóa sửa chữa 70.107 km, số cầu cống đã làm mới và sửa chữa 45 cầu cống, xây dựng 92 mô hình bảo vệ môi trường,...
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức cho hội viên, nông dân tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vận động xây dựng và duy trì đội văn nghệ ở cơ sở, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc nâng cao đời sống tinh thần của nông dân. Nhờ đó, hội viên nông dân đã trở thành chủ nhân thực sự, là chủ thể trong phát triển nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh.
Phát huy những kết quả tích cực nói trên, Hội Nông dân các cấp ở Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến hội viên; nhân rộng và áp dụng thành công những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kết nối hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi; nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh tư vấn, định hướng hội viên nông dân thực hiện liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, dự báo thị trường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn; từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của các hội viên nông dân, góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.