Xã Hồng Phong chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, xã Hồng Phong (Ninh Giang) đã tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao.
Từ đây Hồng Phong trở thành địa phương điển hình của huyện khai thác tốt tiềm năng, lợi thế đồng đất, tăng thu nhập cho người dân.
Hồng Phong có hơn 330 ha đất nông nghiệp, trong đó có gần 1/3 diện tích thấp trũng, vào mùa mưa bão thường xuyên bị ngập lụt, hiệu quả cấy lúa không cao. Để khắc phục tình trạng “chiêm khê-mùa thối”, từ năm 1993, một số hộ dân trong xã đã chuyển sang trồng cây ăn quả song chỉ tự phát với diện tích nhỏ, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Năm 2015, sau dồn điền đổi thửa, Đảng bộ xã Hồng Phong đã ban hành và bắt tay thực hiện Đề án “Phát triển trồng trọt, chăn nuôi thủy sản gắn với sản xuất tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững xã Hồng Phong giai đoạn 2016-2020”.
Giai đoạn này, ông Nguyễn Anh Tới ở thôn Đồng Hội đã mạnh dạn đầu tư trên 2,5 tỷ đồng chuyển đổi hơn 9 ha đất lúa sang trồng cam, bưởi, nuôi cá và bò. Từ năm 2017, cam và bưởi bắt đầu bói quả, cho chất lượng khá tốt. Năm 2021, ông Tới thu hơn 30 tấn cam đường, được thương lái từ miền Nam về tận vườn mua 40.000-50.000 đồng/kg, thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Sau 7 năm thực hiện đề án, đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 34 ha tập trung ở thôn Đồng Hội, Quang Rực. Diện tích này chủ yếu trồng cam đường Canh, cam Vinh, còn lại trồng bưởi da xanh, ổi, mít… Những năm qua, cam và bưởi được giá nên giá trị thu được trên 1 ha đất nông nghiệp của xã đạt hơn 160 triệu đồng/năm.
Theo ông Đặng Huy Hiến, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, sau chuyển đổi, các mô hình kinh tế cho hiệu quả rõ rệt. Nguồn thu trên một đơn vị diện tích tăng cao, từng bước giải quyết được tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, tận dụng được nhân công lao động nhàn rỗi và quá tuổi lao động tại địa phương.
“Tuy nhiên quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của một số hộ dân chưa đạt hiệu quả cao do chất lượng sản phẩm chưa tốt, giá nông sản không ổn định. Đường giao thông ở một số khu chuyển đổi bị xuống cấp không có nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp. Để khắc phục, UBND xã tiếp tục định hướng quy vùng chuyển đổi mỗi năm thêm khoảng 2 ha, chú trọng chuyên canh nâng cao chất lượng nông sản, đưa mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất…”, ông Hiến cho biết thêm.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hồng Phong. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập...