Xã Kiên Thọ phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Xã Kiên Thọ là một trong những địa phương điển hình trong phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) của huyện Ngọc Lặc, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của anh Phạm Văn Kiên, xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cho hiệu quả kinh tế cao.
Những năm qua, ngoài việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp được xã Kiên Thọ và người dân quan tâm thực hiện, như: mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau, củ, quả sạch, an toàn; mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel cho cây ăn quả; chăn nuôi trên đệm lót sinh học... Năm 2018, sau khi đi tham quan mô hình trồng dưa trong nhà màng tại Công ty TNHH Trung tâm nghiên cứu và Phát triển CNC Lam Sơn (Thọ Xuân), anh Phạm Văn Kiên, ở thôn Trọng Phú, đã vay vốn đầu tư xây dựng hơn 1.600m2 nhà lưới để trồng dưa vàng. Được hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa vàng nên cây phát triển tốt và cho trái to đều. Ngay vụ dưa đầu tiên, anh thu hoạch được gần 6 tấn quả, thu lãi được hơn 100 triệu đồng. Nhận thấy trồng dưa trong nhà lưới cho lợi nhuận cao, anh Kiên đã liên kết với Công ty TNHH Thọ Phú Xanh, đầu tư xây dựng thêm 3.000m2 nhà màng để mở rộng diện tích trồng dưa vàng. Anh Phạm Văn Kiên cho biết: Thực tế việc áp dụng kỹ thuật trồng dưa trong nhà lưới không khó, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, 1 sào dưa có thể cho thu nhập từ 60 đến 70 triệu đồng/vụ. Việc xây dựng mô hình sản xuất dưa vàng CNC, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hiệu quả ở địa phương, tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để đầu tư được 1.000m2 nhà lưới, với số vốn gần 400 triệu đồng, nông dân rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức tín dụng.
Hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp CNC tập trung theo hướng hàng hóa của xã gần 15.000m2 nhà lưới. Ngoài ra, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 15 ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây có múi, như: cam, bưởi, mít... Trên địa bàn xã có 3 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp: HTX dịch vụ nông nghiệp Kiên Thọ, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Kiên Thọ, HTX nông nghiệp Thành Đạt. Các HTX này đang tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Toàn xã cũng phát triển được 26 gia trại, trang trại và đang hướng dần đến sản xuất sinh học, chăn nuôi trên đệm lót sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Quách Văn Phong, Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ, cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về những lợi ích của việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đất đai cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình CNC, an toàn sinh học. Cùng với đó, khuyến khích người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng cũng như sản lượng cho các loại cây trồng, vật nuôi. Tập trung rà soát các sản phẩm lợi thế, có tiềm năng thành sản phẩm OCOP sẽ định hướng, khuyến khích các HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, thương hiệu... nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh về đất đai, nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân.