Xã Lâm Sơn nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở

Xã Lâm Sơn (Lương Sơn) hiện có 9 tổ hòa giải của 9 xóm với 18 thành viên, 1 tổ hòa giải các ngành thuộc UBND xã với 6 thành viên. Đồng chí Lê Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Thành viên các tổ hòa giải là những người có uy tín, trách nhiệm ở khu dân cư như: người cao tuổi, trưởng xóm, bí thư chi bộ, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Nhìn chung thời gian qua, các tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, số lượng vụ hòa giải thành tăng cao.

Phát huy vai trò hòa giải viên của tổ hòa giải UBND xã, cán bộ Tư pháp xã Lâm Sơn (Lương Sơn) hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của người dân, hạn chế tối đa các vụ việc, mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

Trong 9 tháng năm nay, các tổ hòa giải trên địa bàn xã đã tham gia giải quyết 13 vụ việc, hòa giả thành công 8 vụ việc, gồm 6 vụ tranh chấp đất đai; 2 vụ mâu thuẫn gia đình. Từ kết quả này góp phần tích cực giữ gìn ANTT tại địa bàn, hạn chế xảy ra những vụ việc mâu thuẫn, xích mích kéo dài dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra.

Trong những năm qua, nhận thức rõ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, xã Lâm Sơn không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này. Xã tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở đến người dân, sử dụng đa dạng biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; giữ gìn đoàn kết nội bộ trong nhân dân, góp phần giảm thiểu các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo TTATXH, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định thúc đẩy phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, xã tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở, tổ hòa giải và hòa giải viên, bảo đảm 100% tổ hòa giải xây dựng được mô hình hòa giải thích hợp theo tình hình thực tế, đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác hòa giải ở xã Lâm Sơn vẫn còn những hạn chế, đó là: việc huy động nguồn lực cho hoạt động này chưa hiệu quả; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ hòa giải chưa đáp ứng yêu cầu thực tế việc hòa giải ở cơ sở nên các hòa giải viên chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để thực hiện công tác hòa giải; việc biểu dương, khen thưởng các hòa giải viên có thành tích xuất sắc có lúc chưa được kịp thời; công tác phối hợp với các đơn vị liên quan đôi khi chưa chặt chẽ… Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Trong thời gian tới, xã tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên; làm tốt công tác cung cấp tài liệu, xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật để có nguồn văn bản cho các hòa giải viên tham khảo; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Với những giải pháp đó, xã kỳ vọng công tác hòa giải ngày càng phát triển nhằm xây dựng khối đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng, phát huy dân chủ ở cơ sở trên địa bàn xã.

P.V

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/133322/xa-lam-son-nang-cao-chat-luong-cong-tac-hoa-giai-o-co-so.htm