Xả lũ đột ngột, cổ phiếu rơi tự do, VN-Index bốc hơi 3,17% giá trị
Sau phiên sáng yếu ớt, thị trường mong chờ kịch bản đánh thốc phiên chiều lặp lại giống hôm qua. Đến khoảng 1h45 chỉ số đã 'nhú' màu xanh, nhưng rồi một đợt xả đột ngột xuất hiện và càng lúc càng mạnh. Đóng cửa VN-Index giảm 35,21 điểm tương đương -3,17%, vượt qua phiên giảm ngày 26/12/2022 (-35,13 điểm), lập kỷ lục 35 phiên...
Sau phiên sáng yếu ớt, thị trường mong chờ kịch bản đánh thốc phiên chiều lặp lại giống hôm qua. Đến khoảng 1h45 chỉ số đã “nhú” màu xanh, nhưng rồi một đợt xả đột ngột xuất hiện và càng lúc càng mạnh. Đóng cửa VN-Index giảm 35,21 điểm tương đương -3,17%, vượt qua phiên giảm ngày 26/12/2022 (-35,13 điểm), lập kỷ lục 35 phiên.
Áp lực xả hàng tăng vọt trước hết trong nhóm blue-chips. Bằng chứng là chỉ đến khoảng 2h, gần như toàn bộ rổ VN30 đỏ quạch, nhưng độ rộng chung của VN-Index vẫn có 165 mã tăng/264 mã giảm. VN-Index đến 2h mới giảm 0,51% so với tham chiếu thì VN30 đã rớt khoảng 0,8%. Kết phiên, độ rộng của HoSE chỉ còn 89 mã tăng/251 mã giảm, trong đó 45 mã giảm sàn, 150 mã khác giảm từ 2% tới trên 6%.
VN30-Index hôm nay chịu tổn thương lớn nhất khi giảm 3,29 với 23 mã giảm và 7 mã tăng. GVR là cổ phiếu duy nhất trong rổ này giảm chạm sàn, dù vẫn còn dư mua sàn. Nhóm tăng tốt nhất thì không phải trụ, là NVL tăng 2,46%, HDB tăng 1,88%, MWG tăng 1,29%. Còn lại GAS tăng quá nhẹ 0,28%, VNM tăng 0,13% và VIB tăng 0,21%.
Phía giảm không chỉ áp đảo về số lượng mà còn có rất nhiều cổ phiếu lớn. Top 5 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất là VCB giảm 3,05%, VHM giảm 5,7%, BID giảm 5,1%, MSN giảm 5,84%, VPB giảm 5,91%. Cả rổ VN30 có 10 mã giảm từ 4% trở lên và 6 mã khác giảm trong biên độ 2-4%.
Thanh khoản trên HoSE phiên chiều cao đột biến, đạt 10.234 tỷ đồng, tăng 66% so với buổi sáng. Tính chung hai sàn khớp lệnh, giá trị giao dịch đạt 11.462 tỷ đồng. Quy mô thanh khoản lớn này lại đi kèm với một nhịp lao dốc kinh hoàng ở giá cổ phiếu, xác nhận áp lực bán tháo chi phối hoàn toàn.
Hàng loạt cổ phiếu thanh khoản cả trăm tỷ đồng giảm giá xuống tận mức sàn như HHV, VIX, VND, HCM, NKG, DIG, VCG, VCI, DBC, CII, LCG, LPB, DXG, IDI. Có thể thấy nhiều mã trong nhóm này buổi sáng vẫn còn khá mạnh. Thực tế cuối phiên sáng tuy chỉ số đỏ nhưng độ rộng không quá tệ, vẫn còn 178 mã tăng giá. Do sức ép từ phía bán quá lớn, hầu hết cổ phiếu không thể chống cự lại được và lao dốc mạnh buổi chiều. Điều này đồng nghĩa với cả thị trường đã tạo nên một nhịp bull-trap lớn buổi sáng. Thống kê cuối ngày cho thấy sàn HoSE ghi nhận 224 cổ phiếu tạo bull-trap với biên độ từ 3% trở lên. Chỉ từ sáng sang chiều mà nhà đầu tư đã lỗ ngay trên 3% là một rủi ro cực cao.
Nhóm ngược dòng thành công hôm nay phần lớn là các cổ phiếu thanh khoản rất ít. Hiếm hoi như SBT, LSS, KHG, CTF, NVL, GIL, HDB, MWG có giao dịch khá tốt và giá còn tăng trên 1%. Dù vậy, ngay cả nhóm mạnh nhất này thì sức ép từ phía bán cũng vẫn thể hiện rõ. Ví dụ như NVL bị đánh tụt khỏi đỉnh khoảng 3,96%; GIL tụt 3,84%; HDB tụt 2,56%...
Nhà đầu tư nước ngoài không phải là nhóm tác động xả. Thực tế khối này còn mua vào nhiều hơn bán ra. Cụ thể, khối ngoại giải ngân thêm 895 tỷ đồng nữa và bán ra 702,5 tỷ đồng, giúp vị thế giao dịch cả phiên đảo ngược thành +93,4 tỷ đồng ròng. Dĩ nhiên khối này có xả ròng lớn ở một số cổ phiếu cụ thể, ví dụ VHM bị bán ròng 102,9 tỷ nhưng cũng chủ yếu là thỏa thuận. DGC, MSB, CTG ,KDH, VNM bị bán ròng trên 30 tỷ đồng, nhưng lượng bán không chiếm chi phôi thanh khoản. Phía mua có HPG +201,2 tỷ, HCM +48,4 tỷ, HDB +44,4 tỷ, STB +39,5 tỷ, BID +38,6 tỷ.
Thị trường đột ngột xuất hiện lực bán tăng vọt trong phiên chiều mà không có dấu hiệu rõ ràng nào. Thực tế đây có thể là một đợt xả hàng cộng hưởng, vì thị trường đã chạm đỉnh ngắn hạn từ vài ngày trước và cũng đã có nhiều phiên xả với thanh khoản lớn. Tổng giao dịch HoSE và HNX hôm nay tới gần 19.500 tỷ đồng và trên 1,2 tỷ cổ phiếu, mức cao nhất kể từ đầu tháng 12. Đây phải là một đợt rút tiền lớn.