Xa Lung - Giấc mơ cuộc sống mới
Xa Lung là bản khó khăn nhất của xã Mường Lý (Mường Lát). Niềm ao ước của biết bao thế hệ người dân nơi đây là một ngày nào đó có điện lưới để nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần và có cơ hội tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Qua địa danh Cổng Trời, chúng tôi vào bản Xa Lung. Cả bản có 67 nóc nhà nằm bên bờ sông Mã, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Đến thăm gia đình anh Mua Seo Sàng, Bí thư Chi đoàn bản Xa Lung, lúc này khoảng 3 giờ chiều, bên trong căn nhà đã tối om, nhìn lên mái nhà, lỗ chỗ các chấm sáng. Anh vừa bật công tắc bóng đèn nối từ máy phát điện mini vừa giải thích “mùa này nắng yếu nên cái đèn tích điện không sáng được mấy”. Nói rồi, anh gọi với vợ đem chiếc đèn pin sang nhà người quen ở bản Muống 2 sạc nhờ. Không có điện lưới, việc học hành ở nhà của các con anh Sàng gần như bị bỏ quên. "Ánh sáng điện còn chưa có, nói gì đến phát triển kinh tế” - anh Sàng trầm buồn lý giải. Sinh ra lớn lên ở bản Xa Lung, hơn ai hết anh hiểu được nỗi vất vả của người dân khi không có điện lưới. Ti vi, điện thoại thông minh... là những thứ không thể thiếu trong thời đại công nghệ 4.0 nhưng với người dân bản Xa Lung lại là điều xa xỉ. Những thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật phục vụ đời sống và sản xuất bà con khó tiếp cận được. Đói tin tức là một trong những nguyên nhân khiến 100% số hộ dân trong bản thuộc diện hộ nghèo.
Ngoài kia thế giới thay đổi từng ngày, từng giờ thì nơi bản nhỏ này chỉ có duy nhất một sự thay đổi, đó là số hộ và số nhân khẩu tăng lên. Cuộc sống của các hộ dân bao năm vẫn như “điệu hát” buồn tẻ, lặp đi lặp lại. Ngoài trồng 10ha lúa nước, 20ha sắn, bà con nuôi thêm gần 200 con gia súc và khoảng vài trăm con gia cầm. Thu nhập bình quân đầu người gần 20 triệu đồng/người/năm. Để duy trì cuộc sống, người dân trong bản phải tỏa đi khắp nơi để làm thuê, làm công nhân thời vụ, tuy nhiên vì không có trình độ nên thu nhập gửi về chẳng đáng là bao.
Cũng vì quẩn quanh với cái nghèo mà hầu hết trẻ em bản Xa Lung chỉ được học hết cấp 1, số ít theo học đến hết cấp 2. Hơn 3 năm gắn bó với điểm trường Xa Lung, cô giáo Phạm Thị Xuân - giáo viên Trường Mầm non Mường Lý, chia sẻ: “Sự học vốn đã khó khăn đối với học sinh vùng sâu, vùng xa thì ở bản Xa Lung lại càng vất vả, gian nan hơn. Bởi vì, không có điện nên các em không có điều kiện để ôn bài tập hay giải trí. Học kém, các em lại càng không muốn học. Để duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp và đảm bảo việc học, nhiều cô giáo phải ở lại trường cả tuần, cuối tuần mới về nhà”. Chính sự tận tâm của các thầy, cô đang là nguồn động lực lớn, giúp các em trong bản có cơ hội được tiếp cận con chữ.
Mang nỗi băn khoăn, trăn trở trao đổi với anh Hà Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mường Lý, chúng tôi được biết, trên địa bàn xã Mường Lý hiện còn bản Xa Lung và bản Trung Thắng chưa có điện lưới. Nguyên do là 2 bản này nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đang chờ được di dời tái định cư. Cụ thể, vào năm 2018, sau khi trận lũ quét lớn tràn qua bản Xa Lung và một số bản khác gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu UBND huyện Mường Lát phối hợp với các ban, ngành liên quan rà soát, lập dự án di dời các hộ dân đến nơi ở mới. Trong đó, dự án tái định cư cho người dân bản Xa Lung đã được hoạch định chi tiết, với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm, dự án vẫn chưa được triển khai thực hiện do gặp nhiều vướng mắc. Ông Tuấn nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng như bà con bản mong từng ngày khu tái định cư sớm được triển khai. Lúc đó, bản có điện chiếu sáng, có đường bê tông đẹp như nhiều bản tái định cư khác, bà con sẽ yên tâm an cư, lạc nghiệp. Đời sống của bản Xa Lung sẽ khởi sắc từng ngày, tôi tin là như vậy”.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/xa-lung-giac-mo-cuoc-song-moi-34532.htm