Xã miền núi Gia Lai kỳ vọng đưa con 'ăn hương ăn hoa' thành thương hiệu đủ điều kiện xuất khẩu

Nuôi ong mật chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao; đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất nông nghiệp của vùng.

Đầu tư thấp, lợi nhuận cao

Nghề nuôi ong mật mang lại nhiều hiệu quả kinh tế và lợi ích cho cộng đồng, đặc biệt trong việc tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con nông thôn.

Ngoài mật ong, các sản phẩm phụ từ ong như sáp ong, phấn hoa, sữa ong chúa cũng được tiêu thụ với giá cao.

Chính vì vậy, nhiều năm qua xã Ia Krái (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) được xem là cái nôi của nghề nuôi ong mật. Đến nay, nghề nuôi ong vẫn đang được rất nhiều hộ dân duy trì, phát triển một cách bền vững.

Anh Bùi Ngọc Long (ngụ thôn 1, xã Ia Krái, huyện Ia Grai) là hộ dân gắn bó với nghề nuôi ong từ những năm 2011.

Trao đổi với chúng tôi anh Long cho biết, hiện nay, gia đình anh vẫn duy trì hơn 200 đàn ong nuôi lấy mật, phấn hoa và các sản phẩm khác. Để kiểm soát đàn ong của mình, anh Long cho dựng lều và thả đàn trong vườn điều của gia đình.

Mùa này, đàn ong chủ yếu dựa vào hoa cỏ tự nhiên, hoa điều, các loại hoa trong vườn trồng cùng một số thức ăn phụ.

Nuôi ong mật chi phí thấp, đa lợi ích. Mô hình nuôi ong giúp gia đình anh Long có nguồn thu nhập ổn định.

Nuôi ong mật chi phí thấp, đa lợi ích. Mô hình nuôi ong giúp gia đình anh Long có nguồn thu nhập ổn định.

"Gia đình mình nuôi ong từ năm 2011, nói chung công việc này cũng tạm ổn cho cuộc sống gia đình, mà không quá vất vả. Ngoài sản phẩm là mật ong, phấn hoa, sắp ong cũng mang lại một phần thu nhập cho gia đình", anh Long nói.

Theo anh Long, mặc dù mô hình nuôi ong mang lại nhiều lợi ích kinh tế, nhưng người nuôi cũng gặp phải một số khó khăn. Ong rất nhạy cảm với thời tiết. Những thay đổi bất thường như mưa kéo dài, bão, hay lạnh đột ngột có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của ong, giảm khả năng sản xuất mật.

Mùa đông khắc nghiệt hay nhiệt độ quá cao cũng có thể gây nguy hiểm cho đàn ong. Ong cần hoa để lấy phấn và mật.

Ở những khu vực thiếu nguồn hoa tự nhiên hoặc thay đổi theo mùa, người nuôi phải di chuyển đàn ong đến nơi có hoa, gây tốn kém và khó khăn trong quản lý. Để nuôi ong hiệu quả, người nuôi cần hiểu rõ kỹ thuật nuôi ong, nhận biết các dấu hiệu bệnh tật và chăm sóc đúng cách.

Để đàn ong phát triển tốt, cho sản lượng mật tốt người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật.

Để đàn ong phát triển tốt, cho sản lượng mật tốt người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Quang Tây (ngụ huyện Ia Grai) cho biết, gia đình làm nghề nuôi ong từ năm 2000. Đến nay, hiện tại gia đình anh có 200 đàn ong.

Nghề nuôi ong thuận lợi, chi phí đầu tư thấp. Địa điểm nuôi của gia đình anh là tận dụng các vườn cà phê, vườn cao su. Thức ăn chủ yếu của ong là hoa cỏ tự nhiên, người nuôi không phải bỏ chi phí là bao. Tuy nhiên để đảm bảo đàn ong không bị bệnh, cho năng suất mật tốt người nuôi cần phải am hiểu kỹ thuật.

"Cái khó nhất của việc nuôi ong đó là tạo mủ để nhân đàn. Thông thường ong chúa đẻ trứng sau đó sẽ tạo ra ong thợ. Nhưng mình phải sử dụng dụng cụ tạo mủ làm sao để trứng nở thành ong chúa mới nhân đàn lên được.

Ở Tây nguyên nuôi ong chủ yếu dựa vào hoa cà phê, và hoa cao su. Trung bình, một năm thu mật một lần vào khoảng tháng 12. Nói chung công việc cũng khá nhẹ nhàng với giá khoảng 100 nghìn đồng/lít, trừ chi phí công cán thì cũng có dư giả", anh Tây nói.

Kỳ vọng xuất khẩu mật ong

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi ong trên địa bàn, UBND xã Ia Krái đã cho thành lập tổ hợp tác nuôi ong trên địa bàn.

Tổ hợp tác có hơn 10 thành viên là những hộ gia đình nuôi ong chuyên nghiệp, sản phẩm làm ra đủ điều kiện theo quy chuẩn Việt Nam và xuất khẩu.

Đến nay, một số hộ gia đình đã tự xây dựng thương hiệu mật ong riêng đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Nuôi ong mật mạng lại hiệu quả kinh tế cao góp phần bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất nông nghiệp trong vùng.

Nuôi ong mật mạng lại hiệu quả kinh tế cao góp phần bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và thụ phấn cho cây trồng, tăng năng suất nông nghiệp trong vùng.

Ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch xã Ia Krai (huyện Ia Grai) thông tin với chúng tôi, trên địa bàn xã đang phát triển mô hình nuôi ong. Trước đây, có vài trăm cầu (dụng cụ nuôi ong) thôi, nhưng bây giờ lên đến hàng ngàn cầu.

Để nghề nuôi ong phát triển hơn nữa, xã có định hướng, thứ nhất là liên kết với các hợp tác xã khác ở địa phương khác, tỉnh khác.

Thứ 2 là liên hệ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nuôi ong có kỹ thuật, để các hộ có đủ điều kiện nuôi dưỡng và chăm sóc đàn ong. Thứ 3 là nhân rộng sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mật ong đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Là cái nôi của nghề nuôi ong, xã Ia Krái mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn sản phẩm các loại từ ong. Điều này, không chỉ góp phần nâng cao đời sống của người dân mà còn tăng cường nguồn thu ngân sách địa phương.

Theo ông Tấn, hiện hộ nuôi ong mật tại địa phương mỗi năm thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Đây là mức thu nhập khá cao với bà con nông dân, giúp nhiều hộ gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

TRao đổi với chúng tôi ngày 27/10, ông Phan Đình Thắm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai cho biết: "Mô hình nuôi ong là một trong những giải pháp kinh tế giúp bà con nông thôn tăng thu nhập và thoát nghèo hiệu quả.

Nuôi ong không yêu cầu nhiều vốn đầu tư ban đầu, mà chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên sẵn có như hoa cỏ, mật ong và phấn hoa từ thiên nhiên. Nhờ vào mô hình này, bà con có thể tận dụng đất trống, đồi núi, rừng để nuôi ong.

Các sản phẩm từ ong như mật ong, sáp ong, phấn hoa không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao, mà còn có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt khi xu hướng tiêu dùng các sản phẩm tự nhiên, lành mạnh đang tăng lên.

Một lợi ích khác là mô hình nuôi ong góp phần bảo vệ môi trường, duy trì đa dạng sinh học và thụ phấn cho cây trồng, giúp tăng năng suất nông nghiệp trong vùng. Các chương trình khuyến nông, hỗ trợ kỹ thuật và vốn đã được triển khai ở nhiều địa phương, giúp bà con tiếp cận và phát triển mô hình này hiệu quả’’.

Hồ Hải Nam

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xa-mien-nui-gia-lai-ky-vong-dua-con-an-huong-an-hoa-thanh-thuong-hieu-du-dieu-kien-xuat-khau-204241026113808022.htm