Xã Nghĩa Lộ: Sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế
Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm 'sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế'.
Vườn cây của gia đình ông Trần Bá Đức ở thôn 8 rộng 1,5 ha với đa dạng các loại cây ăn quả: thanh long, mận, vú sữa hoàng kim, ổi…; trong đó, diện tích trồng hơn 400 trụ thanh long ruột đỏ đã được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa.
Từ lâu nay, ông Đức đã có quan niệm khi sản xuất an toàn không những bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất và người tiêu dùng mà còn tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, không bao giờ lo không bán được; bởi vậy, khi thực hiện các kiểm nghiệm về mẫu đất, mẫu nước và tồn dư thuốc BVTV, các sản phẩm quả của gia đình đều đạt các điều kiện.
Ông Đức chia sẻ: "Hết vụ thanh long cuối cùng trong năm vào khoảng tháng 11, tôi sẽ cắt tỉa, loại bỏ các cành già lâu năm rồi tiến hành chăm bón để cây ra lộc mới. Phân sử dụng chủ yếu là phân vi sinh hữu cơ, bón 4 lần/năm vào thời điểm trước khi ra hoa. Cây thanh long không có lá nên cũng rất ít sâu bệnh, chủ yếu là phòng bệnh nấm, tôi chỉ phun 1 - 2 lần/năm khi đã cắt hết quả với thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, bảo đảm không có tồn dư trên quả. Với cách sản xuất như thế, một năm tôi thu hoạch được 13 tấn quả, giá bán bình quân lúc rẻ lúc đắt khoảng 17.000 đồng/kg. Sản phẩm thu hoạch đến đâu được tiêu thụ đến đó và có lúc không đủ để cung cấp cho thị trường”.
Cách sản xuất tương tự cũng được ông Đức áp dụng trên toàn bộ diện tích cây trái của gia đình, giúp sản phẩm của ông được thị trường ưa chuộng, trung bình thu nhập 700 triệu đồng/năm. Không chỉ có cây trái chính vụ, mà ngay cả sản xuất trái vụ cũng được người dân xã Nghĩa Lộ sản xuất theo hướng an toàn. Mận trái vụ là một ví dụ điển hình.
Anh Đinh Công Hiền ở thôn 8 chia sẻ: "Tầm tháng 8 hằng năm, tôi phun kali để cây bắt đầu ngủ đông, bo và rụng lá. Sau 3 tháng thì tưới tiêu thường xuyên, bón đủ dinh dưỡng để cây bật nụ, ra hoa, đậu quả để đến cuối tháng 12 là bắt đầu được thu hoạch mận trái vụ. Thời điểm này, mận hay gặp sương muối nên hay mắc bệnh sương mai, đốm quả nên cần tưới rửa, phòng trừ bệnh bằng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học ngay từ khi bắt đầu có quả và dùng các bẫy sinh học để bắt ruồi vàng. Như vậy, sản phẩm được cách ly gần 2 tháng mới thu hoạch nên bảo đảm an toàn, có thể ăn ngay trực tiếp tại vườn”.
Với 59 gốc mận, mỗi năm anh Hiền thu hoạch khoảng 7 tạ mận trái vụ có giá trung bình 50.000 đồng/kg và 3 tấn chính vụ có giá trung bình 20.000 đồng/kg, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng.
Ở vùng cây ăn quả nhiệt đới xã Nghĩa Lộ, tư duy và cách sản xuất như của ông Đức, anh Hiền đang ngày càng phổ biến. Theo những người trồng cây ăn quả ở đây, việc sản xuất theo hướng an toàn không có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn thuốc BVTV, mà thay vào đó sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng gồm: đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách, bảo đảm ít nhất là đủ về thời gian cách ly.
Đồng thời, sử dụng các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học và tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch hại thủ công. Người dân nơi đây cũng đã loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc trừ cỏ trong sản xuất, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục.
Nhờ đó, toàn xã hiện có 245 ha cây ăn quả; trong đó, có 157 ha được sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn; 6 ha bưởi da xanh và thanh long ruột đỏ được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa; 3 sản phẩm bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ và nhãn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Mặc dù sản lượng lên tới hàng nghìn tấn quả các loại nhưng đều được thu mua và tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Đây không những là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi trong tư duy và tập quán canh tác của nhân dân, mà còn khẳng định chất lượng sản phẩm cho vùng cây chuyên canh cây ăn quả của xã Nghĩa Lộ nói riêng và thị xã Nghĩa Lộ nói chung.