Xã Ngổ Luông phát triển vật nuôi bản địa

Với điều kiện phù hợp, những năm qua, người dân xã Ngổ Luông (Tân Lạc) chú trọng chăn nuôi các vật nuôi có nguồn gốc bản địa. Qua đó từng bước tạo ra các sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương, hướng tới phục vụ phát triển du lịch trong tương lai.

Gia đình ông Bùi Văn Inh, xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi lợn bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Gia đình ông Bùi Văn Inh, xóm Bo Trẳm, xã Ngổ Luông (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi lợn bản địa, đem lại hiệu quả kinh tế khá.

Ngổ Luông là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 30 km, độ cao trung bình khoảng 850m so với mực nước biển. Toàn xã có 4 xóm với 351 hộ 1.650 nhân khẩu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 24,29%, hộ cận nghèo gần 29%. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ngổ Luông là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế. Đây là xã có độ che phủ rừng cao, khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên còn giữ được nhiều nét hoang sơ. Trên địa bàn xã còn bảo tồn được quần thể 11 cây nghiến là Cây di sản Việt Nam. Bên cạnh đó, bà con đã và đang phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi có nguồn gốc bản địa.

Đồng chí Bùi Văn Thại, Phó Chủ tịch UBND xã Ngổ Luông cho biết: Hiện nay, người dân trong xã chăn nuôi chủ yếu là gia súc, gia cầm. Trong đó, tổng đàn trâu, bò hơn 1.400 con, dê trên 160 con và đàn gia cầm (chủ yếu là gà) khoảng 45 nghìn con. Riêng đối với đàn lợn, hiện có trên 1.200 con với khoảng 70% là giống lợn đen bản địa. Nuôi lợn đen bản địa không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà trong thời điểm giá lợn xuống thấp như thời gian qua, lợn đen vẫn được giá, đầu ra thuận lợi. Nhờ đó nhiều hộ chăn nuôi đã cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập.

Hiện, xã Ngổ Luông có hơn 200 hộ nuôi lợn bản địa, trong đó có hộ nuôi quy mô đến trăm con. Như gia đình ông Bùi Văn Hưng, xóm Bo Trẳm nuôi trên 100 con lợn bản địa, trong đó có khoảng 20 con lợn nái. Để nuôi với số lượng lớn, gia đình ông Hưng đã rào chắn diện tích khoảng 1 ha để thả lợn. Ông Hưng cho biết: Ở địa phương có bãi chăn thả, nguồn thức ăn dồi dào nên thích hợp để nuôi lợn đen. Hơn nữa, đầu ra của lợn đen khá ổn định. Hiện, giá lợn khoảng 120 nghìn đồng/kg, thời điểm giá cao nhất đạt 200 nghìn đồng/kg.

Ngoài gia đình ông Hưng nuôi với số lượng lớn, nhiều hộ khác cũng nuôi vài chục con, như hộ ông Bùi Văn Lợi, xóm Luông Dưới; Bùi Văn Hòa và Bùi Văn Tâm, xóm Luông Cá; Bùi Văn Inh, xóm Bo Trẳm. Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, giống lợn bản địa của xã Ngổ Luông có nhiều nét tương đồng với giống lợn bản địa của huyện Đà Bắc (đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận nhãn hiệu tập thể lợn bản địa Đà Bắc). Trong giai đoạn 2023 – 2025, phát triển chăn nuôi trên địa bàn xã Ngổ Luông sẽ nhận được sự hỗ trợ thường xuyên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Đó là hỗ trợ về công tác tiêm phòng, tập huấn về kỹ thuật. Với sự hỗ trợ này sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về phát triển kinh tế chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh ở trên địa bàn xã. Qua đó, tạo ra sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương để thu hút khách du lịch, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 17/10/2022 của BTV Tỉnh ủy về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Viết Đào

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/177839/xa-ngo-luong-phat-trien-vat-nuoi-ban-dia.htm