Vì sao HTX chưa mặn mà đầu tư cơ sở giết mổ tập trung?

Cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hiện không có một quy định, văn bản pháp luật nào quản lý, nhưng cơ sở giết mổ tập trung lại đang bị 'kìm hãm' bởi rất nhiều quy định. Cơ chế chính sách chưa thuận lợi, thống nhất là nguyên nhân khiến HTX, doanh nghiệp đầu tư cơ sở giết mổ động vật tập trung chưa phát huy được hiệu quả.

Ông Thèn Văn Hải, đại diện HTX chăn nuôi lợn Tuấn Dũng (huyện Mèo Vạc) cho biết, đến nay, Hà Giang vẫn chưa có cơ sở giết mổ chăn nuôi tập trung nào. Điều này đang đặt ra những lo ngại về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong bối cảnh các dịch bệnh trên đàn lợn đang diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến nay vẫn còn 15 tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung là: Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Vĩnh Long.

Hàng loạt "nút thắt"

Cả nước mới có 207 cơ sở giết mổ tập trung nhưng có đến 17.736 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ; số lợn được kiểm soát giết mổ là 17.432.175 con, mới chiếm 34,8% so với tổng đàn (50 triệu con).

Có thể thấy, số lượng cơ sở giết mổ tập trung đang lép vế so với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nhưng việc thu hút đầu tư, vận hành hệ thống cơ sở giết mổ tập trung vẫn không hề thuận lợi và dễ dàng đối với HTX, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh (Bắc Giang) thông tin, dù thực hiện theo quy trình vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng mỗi ngày, cơ sở của HTX cũng chỉ giết mổ được khoảng 30 con lợn.

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Giám đốc HTX Công nghệ thực phẩm sạch Đoan Hùng (Phú Thọ), đầu tư cơ sở giết mổ tập trung cần nguồn vốn rất lớn nhưng nếu chỉ phục vụ giết mổ riêng đàn vật nuôi của HTX, thậm chí là có giết mổ thuê thì hoạt động của cơ sở cũng không thể đạt 100% công suất thiết kế. Như vậy, đơn vị đầu tư sẽ luôn trong tình trạng phải bù lỗ, thu không đủ chi.

Cơ sở giết mổ tập trung của HTX Bình Minh giúp thịt lợn xuất ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cơ sở giết mổ tập trung của HTX Bình Minh giúp thịt lợn xuất ra thị trường bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đó là chưa nói đến việc giá thành sản phẩm thịt được giết mổ tập trung bán ra còn cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường (khoảng 20-30%). Đây cũng là một vấn đề hạn chế các đơn vị đầu tư vào lĩnh vực giết mổ động vật do rủi ro cao (chi phí sản xuất cao, công suất hoạt động thấp, thời gian thu hồi vốn lâu,…).

Đặc biệt, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vẫn tồn tại song song cũng là nguyên nhân được ông Nguyễn Tiến Sỹ đánh giá là khiến các cơ sở giết mổ tập trung khó hoạt động. Cho dù cơ sở giết mổ tập trung có giấy phép nhưng kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, đầu tư mang tính rủi ro cao vì nhu cầu tiêu dùng thịt gia súc, gia cầm đảm bảo theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều địa phương còn thấp.

Không chỉ thực tế hoạt động chưa hiệu quả, theo nhiều ý kiến, cơ sở giết mổ tập trung chưa phát triển là vì vướng cơ chế, chính sách.

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết các chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động giết mổ động vật tập trung hiện nay chưa đồng bộ nên chưa thể mang hiệu quả trong áp dụng thực hiện.

Ví dụ như, nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, không hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân nên chưa khuyến khích được các tổ chức, cá nhân, HTX tham gia đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

Bên cạnh đó, quy hoạch sử dụng đất, đấu thầu quyền sử dụng đất, giải tỏa đền bù và chính sách ưu đãi chưa phù hợp nên một số doanh nghiệp, HTX muốn đầu tư dự án nhưng thời gian kéo dài nhiều năm.

Việc bố trí địa điểm cho khu giết mổ tập trung ở hầu hết các địa phương hiện vẫn còn khó khăn, chưa phù hợp với phân bố dân cư dẫn tới việc vận chuyển thực phẩm từ khu quy hoạch đến nơi tiêu thụ còn xa. Thủ tục thuê đất phức tạp, mất nhiều thời gian và qua nhiều công đoạn, qua nhiều cơ quan thẩm định gây khó khăn cho các nhà đầu tư.

Một vấn đề được không ít đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này quan tâm đó chính là quy định về khoảng cách theo Quy chuẩn QCVN 150:2017/BNNPTNT (cơ sở giết mổ động vật tập trung phải được đặt ở vị trí cách khu dân cư, trường học tối thiểu là 500 m…) rất khó áp dụng trong thực tiễn, nhất là khi quỹ đất của các địa phương ngày càng bị thu hẹp. Điều này khiến nhiều cơ sở giết mổ dù được đầu tư bài bản nhưng lại không đủ điều kiện để được công nhận cơ sở giết mổ tập trung.

Muốn xuất khẩu thuận lợi phải giết mổ tập trung

Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Xuân Dương cho biết, giết mổ tập trung thực hiện theo quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ giết mổ, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn thịt mát; có hệ thống kho lạnh, bảo đảm vệ sinh thú y, để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chính vì vậy, nếu muốn đáp ứng được điều kiện tiêu dùng ngày càng cao của người dân và phục vụ xuất khẩu thì buộc phải phát triển giết mổ tập trung. Vì động vật đưa vào giết mổ tại các cơ sở này thường được thu mua từ các trang trại nên có sự đồng đều về kích cỡ, khối lượng và chất lượng thịt ổn định.

Do đó, cần phải giải quyết các khó khăn về đất đai, thủ tục hồ sơ để thu hút đầu tư, vận hành hiệu quả. Hiện nay, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức (có văn bản đầy đủ nhưng chưa tổ chức thực hiện) việc triển khai các dự án giết mổ tập trung, đặc biệt UBND cấp huyện, xã.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có đàn gia cầm, đàn lợn đứng đầu thế giới nhưng xuất khẩu vẫn rất khiêm tốn. Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, xuất khẩu thịt lợn 6 tháng năm 2024 của Việt Nam đạt 27 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Hồng Kông là thị trường xuất khẩu thịt lợn lớn nhất của Việt Nam (thị phần 95,7%).

Nguyên nhân của tình trạng này là khâu giết mổ vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững ở Việt Nam.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2023 ước đạt 5,72%, đạt doanh thu trên 33 tỷ USD toàn ngành, đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp và trên 5% GDP của nước ta.

Vậy nhưng số lượng động vật được giết mổ tại các cơ sở tập trung chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với công suất thiết kế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường.

Từ những con số này có thể thấy, muốn cơ sở giết mổ tập trung phát triển thì phải thu hẹp các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, không có giấy phép. Và để làm được điều này, việc tăng phí kiểm soát của cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ trong Thông tư 101/2020/TT-BTC cần được xem xét thực hiện.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/vi-sao-htx-chua-man-ma-dau-tu-co-so-giet-mo-tap-trung-1102424.html