Xả ở nhóm cổ phiếu blue-chips, VN30-Index giảm mạnh nhất sàn
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng khá tốt sáng nay trong khi VN30-Index lại rơi 1,06%. Độ rộng của VN-Index còn tích cực hầu như chỉ nhờ Midcap và Smallcap. Trong khi đó thanh khoản ở rổ VN30 sụt giảm đột biến cho thấy lực cầu ở nhóm này khá yếu...
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn tăng khá tốt sáng nay trong khi VN30-Index lại rơi 1,06%. Độ rộng của VN-Index còn tích cực hầu như chỉ nhờ Midcap và Smallcap. Trong khi đó thanh khoản ở rổ VN30 sụt giảm đột biến cho thấy lực cầu ở nhóm này khá yếu.
VN-Index kết phiên sáng chỉ giảm nhẹ 0,48% tương đương -4,63 điểm. Độ rộng tốt nhờ 244 mã tăng/172 mã giảm. Midcap cũng đang tăng 0,72%, Smallcap tăng 0,84%. Riêng VN30-Index giảm 1,06% và chỉ có 7 mã tăng/21 mã giảm.
NVL và PDR vẫn là hai cổ phiếu “hạn” nhất rổ VN30, vẫn đang tiếp tục giảm sàn. NVL dư bán sàn 59,7 triệu cổ, PDR dư sàn 124 triệu cổ. Tuy nhiên cũng còn 10 cổ phiếu khác giảm từ 1% trở lên, với MWG giảm 2,73%, VRE giảm 2,72%, VHM giảm 2,29%, GAS giảm 1,92%. 7 mã mã ngược dòng trong nhóm VN30 hầu hết là yếu, trừ GVR tăng 6,17%, POW tăng 2,48%, SAB tăng 1,06%.
Với biên độ giảm khá lớn ở cổ phiếu, nhưng thanh khoản rổ VN30 chỉ đạt 1.306,7 tỷ đồng, giảm tới 33% so với sáng phiên trước. Đây là mức giao dịch thấp nhất trong 12 phiên sáng vừa qua. Ở khía cạnh nào đó, thanh khoản giảm thể hiện áp lực bán nhẹ, nhất là khi lượng cổ phiếu bắt đáy lớn về tài khoản. Tuy vậy, với biên độ giá giảm khá sâu thì nguyên nhân chính là lực cầu giá cao quá yếu.
Đây là tâm lý giằng co bình thường khi nhà đầu tư cảm thấy giá tăng quá nhanh trong ngắn hạn dẫn đến rủi ro gia tăng nếu đuổi giá. Trong khi đó tâm lý nghi ngờ còn cao và lúc nào cũng có thể xuất hiện một đợt chốt lời. Nhà đầu tư cầm tiền rút lui và chỉ mua ở giá thấp. Nếu nhà đầu tư muốn bán phải hạ giá xuống, khiến biên độ dao động giá trở nên rộng, dù thanh khoản không lớn.
Ngoài nhóm blue-chips, thị trường tổng thể vẫn đang cân bằng sáng nay. VN-Index mất điểm chủ yếu do nhóm vốn hóa lớn đang giảm, trọng tâm là VHM, GAS, NVL, VCB và VIC. Phía tăng trừ GVR và SAB thì không có mã nào vốn hóa đáng kể.
Dù vậy độ rộng là tín hiệu lạc quan, cho thấy áp lực bán chưa lan rộng dù thị trường bước sang ngày T+3 của lượng hàng bắt đáy về tài khoản. HoSE vẫn có 30 cổ phiếu kịch trần, 140 mã khác tăng trên 1%. Mặt khác, thanh khoản ở nhóm tăng giá vẫn nhỉnh hơn, chiếm 48,2% tổng giá trị khớp ở sàn này, trong khi thanh khoản nhóm giảm chiếm 41,2%.
Nhóm kịch trần cũng xuất hiện rất nhiều cổ phiếu bất động sản, các mã được cho là đang chịu áp lực lớn gần đây. CEO, IDI, DXS, NLG, HAG, HQC, DRH... đang tăng hết biên độ. DIG, TCH, HAR, QCG, SCR... cũng đang tăng trên 4%. Điều này trái ngược với NVL, PDR, HVX đang mất thanh khoản giá sàn. Như vậy tín hiệu tốt là đang có sự phân hóa trong bản thân nhóm cổ phiếu được cho là có nhiều rủi ro nhất. Những cổ phiếu “nguy hiểm” vẫn giảm nhưng không còn ảnh hưởng lan tỏa sang các mã khác.
Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết sáng nay giảm khoảng 9%, đạt 4.148 tỷ đồng. Thanh khoản giảm sang phiên thứ hai liên tiếp thể hiện tâm lý chờ đợi một đợt chốt lời ngắn hạn có thể xảy ra. Tuy nhiên đây là hành động khiến cung cầu không gặp nhau, là nguyên nhân khiến thanh khoản giảm dù dư mua dư bán vẫn còn dồi dào.
Khối ngoại cũng giảm giao dịch khá nhiều, tổng mức mua vào ở HoSE là 514,1 tỷ đồng, bán ra 480,6 tỷ đồng, tương ứng mua ròng 33,5 tỷ đồng. DGC bị xả ròng gần 95 tỷ. Lượng bán của khối này chiếm trên 51% tổng thanh khoản, giá DGC rớt 5,83%. DXG cũng đang bị xả ròng 30,8 tỷ đồng. Phía mua VPB +54,4 tỷ, MBB +34 tỷ, HPG +22,2 tỷ là các mã đáng kể nhất.