Xã Phù Đổng (Gia Lâm): Khai thác thế mạnh du lịch, phát triển xã thành phường
Với việc được công nhận là 'Điểm du lịch' của TP và 'Làng nghề hoa giấy', những năm qua, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã tập trung đầu tư phát triển, khai thác các thế mạnh về du lịch, dịch vụ; xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thành các tiêu chí thành lập phường.
Sắc hoa trên miền di sản
Những ngày này, cán bộ và Nhân dân xã Phù Đổng đang tất bật chuẩn bị cho “Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng năm 2023”, với chủ đề “Sắc hoa trên miền di sản”.
Theo kế hoạch, Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng được UBND huyện Gia Lâm tổ chức vào 3 ngày, từ 17 - 19/11/2023, tại khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm làng nghề hoa giấy Phù Đổng - các nhà vườn trên trục đường liên xã và khu sinh thái Phù Đổng Green Park.
Tại đây sẽ diễn ra các hoạt động: Trưng bày, giới thiệu những cây hoa, cây cảnh đặc sắc, tiêu biểu của làng nghề hoa giấy Phù Đổng; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch của các Điểm du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm. Tổ chức hội thi tạo hình, ghép cây với chủ đề “Bàn tay vàng làng nghề cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng”. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, kết nối du lịch Phù Đổng và các đơn vị lữ hành nhằm tăng cường, thúc đẩy quảng bá Điểm du lịch Phù Đổng…
Lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm cho biết, việc tổ chức Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng là hoạt động hưởng ứng Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 của UBND TP Hà Nội, đồng thời giới thiệu về làng nghề hoa giấy Phù Đổng, Điểm du lịch Phù Đổng, góp phần tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của địa phương, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm.
Lễ hội cũng nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của Phù Đổng trong các lĩnh vực làng nghề hoa, cây cảnh, du lịch trải nghiệm kết hợp với du lịch tâm linh; nâng cao nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội về làng nghề truyền thống kết hợp tham quan trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hướng tới xây dựng Lễ hội cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng trở thành sự kiện thường niên, tạo thành điểm nhấn hàng năm thu hút đông đảo Nhân dân, du khách đến tham dự.
Bên cạnh các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, Lễ hội còn có các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật quần chúng; chương trình diễn xướng tái hiện trích đoạn Lễ hội Gióng; chương trình văn hóa, nghệ thuật (xiếc, ảo thuật,…).
Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, đây là lần đầu tiên một Lễ hội cây cảnh, hoa giấy được tổ chức trên địa bàn xã Phù Đổng, nơi có làng nghề hoa giấy được UBND TP Hà Nội công nhận. Do đó, Nhân dân trong xã rất phấn khởi tham gia; từ những nhà vườn có quy mô lớn đến các hộ sản xuất quy mô nhỏ, ai cũng chăm chút cắt tỉa và lựa chọn những sản phẩm hoa, cây cảnh đẹp nhất để chuẩn bị trưng bày trong lễ hội.
Đây cũng là dịp để xã Phù Đổng giới thiệu, quảng bá di sản Hội Gióng, khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng tới Nhân dân, du khách trong và ngoài thành phố.
Sẵn sàng trở thành phường văn minh, hiện đại
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phù Đổng Phùng Xuân Việt, sau khi được UBND TP công nhận là Điểm du lịch và Làng nghề hoa giấy, xã Phù Đổng đã quan tâm, phát triển du lịch văn hóa tâm linh, phát huy giá trị di sản Hội Gióng. UBND xã đã quan tâm đến vấn đề đào tạo hướng dẫn viên, củng cố lại BQL di tích, đề xuất tu bổ tôn tạo di tích; kết nối với các nhà trường tổ chức các hoạt động về nguồn cho học sinh…
Đối với lĩnh vực kinh tế, xã tập trung chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả. Đến nay, toàn xã Phù Đổng đã thực hiện chuyển đổi được 292,49ha, trong đó có 139,23ha trồng hoa, cây cảnh; 153,26ha trồng cây ăn quả; giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh đạt 930 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả đạt 330 triệu đồng/ha/năm.
9 tháng năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn xã Phù Đổng ước đạt 4.638 triệu đồng bằng 101,53% dự toán huyện giao. Thu ngân sách xã ước đạt 17.705 triệu đồng, bằng 172,9% dự toán huyện giao. Chi ngân sách nhà nước ước đạt 6.591 triệu đồng, bằng 69,1% dự toán huyện giao.
Đặc biệt, sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, tập trung hoàn thiện các tiêu chí cơ bản đạt. Công tác xây dựng xã thành phường đạt 3/3 tiêu chí bắt buộc và 12/13 tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Năm 2022, xã có sản phẩm du lịch đạt chứng nhận OCOP 4 sao là khu sinh thái Phù Đổng Green Park; năm 2023 xã có sản phẩm hoa giấy đạt chứng nhận OCOP 3 sao…
Hiện tại, xã đang tập trung hoàn thành các dự án giao thông, hạ tầng khung; tiếp tục hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị; hạ tầng sản xuất nông nghiệp; xây dựng trường Tiểu học, trường THCS đạt chuẩn mức độ 2. Tiếp tục hoàn thiện các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại – dịch vụ, phù hợp với định hướng phát triển của huyện Gia Lâm khi trở thành quận, xã Phù Đổng khi trở thành phường.