Xã Phượng Nghi giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc
Khi lúa chín vàng trải dài khắp các chân ruộng cũng là lúc các gia đình dân tộc Mường thôn Bái Đa, xã Phượng Nghi (Như Thanh) lại bận rộn với những công việc mùa vụ và cả những rộn ràng chuẩn bị cho lễ mừng cơm mới.
Một tiết mục văn nghệ trong lễ hội mừng cơm mới của thôn Bái Đa, xã Phượng Nghi (Như Thanh).
Theo quan niệm của người Mường thôn Bái Đa, lễ mừng cơm mới (còn được gọi là lễ mừng cơm non gạo mới) được tổ chức sau vụ lúa mùa, khi tiết trời bắt đầu sang xuân, lúc này các gia đình mời thầy cúng hoặc tự tổ chức lễ nhằm tạ ơn trời đất, các vị thần linh, tổ tiên đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, dân mường có cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Mở đầu lễ hội mừng cơm mới là nghi thức cúng cơm mới tại nơi thờ thành hoàng của bản Mường. Thầy cúng thực hiện các nghi lễ truyền thống. Dự lễ cúng có đại diện già làng, trưởng bản, người có uy tín trong thôn cùng đông đảo người dân tham gia. Ngay sau khi phần lễ kết thúc, tại khu vực nhà văn hóa của thôn sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao cùng các trò chơi dân tộc đặc sắc như nhảy sạp, đánh mảng, tung còn... Lễ mừng cơm mới và khai hạ là hai nghi lễ lớn nhất của dân tộc Mường. Ngoài mang ý nghĩa giáo dục con cháu nhớ về cội nguồn và tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên thì đây cũng là dịp để các thành viên trong thôn sum họp, quây quần bên nhau mừng thành quả lao động sau một năm làm ăn vất vả.
Ông Ngân Văn Chính, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phượng Nghi cho biết: Trong những năm qua, xã luôn ý thức trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường. Có thể nói, lễ mừng cơm mới của bà con thôn Bái Đa là nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ, lưu truyền lâu đời. Nghi thức của lễ mừng cơm mới được thực hiện sau khi lúa chín, xay thành gạo mới, nấu cơm và đem cơm đó đi cúng ông bà tổ tiên, sau đó mới được ăn. Đến ngày thu hoạch lúa mới, người dân chọn buổi sáng của một ngày tốt lành, gia đình tổ chức đi thăm ruộng. Họ ngắt bảy hoặc chín bông lúa nếp cái đẹp tượng trưng cho bảy vía hoặc chín vía lúa ở ruộng nhà mình tết thành một bó nhỏ đem treo ở đầu cột cái trong nhà nơi cạnh bàn thờ tổ tiên. Sau nghi thức này, mọi người mới được ra đồng gặt lúa. Lúa mới đã được đem về nhà và tiến hành làm lễ cúng lúa mới. Mâm cỗ cúng phải đầy đủ các món như cơm non, cá nướng, thịt lợn... Hai món chính bắt buộc phải có là cơm non và cá nướng. Cơm non được làm từ gạo nếp khi vừa chín đỏ đuôi, phơi khô cho giòn, cho vào cối giã cả bông thành gạo nấu cơm. Hương vị lúa non đầu mùa quyện hòa trong hương vị của lá nhuộm màu tạo nên mùi vị rất hấp dẫn. Cá nướng phải chọn con cá tươi nhất, ngon nhất, nướng trên than lửa chín đều. Tất cả dâng cúng cảm tạ tổ tiên, thần nông nghiệp đã bảo trợ cho một mùa no ấm đủ đầy.
Sau phần cúng lễ, các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau cùng thưởng thức thành quả lao động của mình. Trong bữa ăn mừng cơm mới thường có đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu tụ họp vui vẻ, hàng xóm cũng có thể đến chung vui, họ dành cho nhau những lời hay ý đẹp, động viên nhau cố gắng trong những mùa vụ tiếp theo. Cuối cùng, khi đã hoàn tất phần nghi lễ, các gia đình đều lựa chọn một vài bó lúa giống tốt để lên gác bếp để giữ vía lúa với tràn trề hy vọng một mùa bội thu mới đang đợi.