Xã, phường, thị trấn thực hiện tốt vai trò là 'pháo đài' trong phòng, chống dịch

Đây là chỉ đạo của UBND tỉnh trước tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Ngày 10/9, UBND tỉnh ban hành Công văn số: 4363 /UBND-VX về tăng cường triển khai thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại cấp xã.

Mỗi xã, phường, thị trấn thực hiện vai trò là “pháo đài" phòng, chống dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Mỗi xã, phường, thị trấn thực hiện vai trò là “pháo đài" phòng, chống dịch bệnh. Ảnh minh họa.

Công văn nêu rõ, trải qua thời gian dài tổ chức các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy, để tiến tới thành công trong khống chế dịch bệnh phải kể đến vai trò hết sức quan trọng của tuyến cơ sở (cấp xã) và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao độ của mỗi người dân. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, nhanh chóng đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt việc kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” huyện tự lo cho huyện, xã tự lo cho xã, thôn bản phải tự lo cho thôn bản, đồng thời cần tập trung triển khai thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài", người dân là “chiến sỹ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch; Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thực hiện tốt vai trò là “pháo đài” trong phòng, chống dịch:

Đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; khi có dịch phải tổ chức lấy xét nghiệm thần tốc, kịp thời phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên; Tổ chức tiêm chủng an toàn theo đúng hướng dẫn chuyên môn của ngành y tế;

Chủ động xây dựng phương án khi phải thực hiện giãn cách xã hội vẫn đảm bảo cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc;

Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;

Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch cấp xã cần phải có phân công lịch trực rõ ràng, ứng trực 24/24 giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến dịch Covid-19; giám sát việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch của người dân trên địa bàn, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm;

Thường xuyên rà soát, bổ sung, kiện toàn các Tổ Covid cộng đồng để kiểm soát chặt chẽ tình hình di biến động của người dân trên địa bàn, các trường hợp từ vùng dịch về không qua khai báo.

Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội;

Đối với các xã biên giới, cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ngăn chặn kịp thời các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép.

Tăng cường công tác tuyên truyền người dân là “chiến sĩ” phòng, chống dịch Covid-19:

Người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch. Người dân là trung tâm thì mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân. Người dân là chủ thể thì phải tích cực cùng hệ thống chính trị tham gia phòng, chống dịch có hiệu quả. Thực hiện tốt mối quan hệ Cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, người dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường giám sát, kiểm tra trong phòng, chống dịch.

Mỗi người dân là “Chiến sĩ” trong công tác phòng, chống dịch bệnh: nêu cao tinh thần, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, cộng đồng và xã hội; thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch; đề cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với các lực lượng chức năng ngăn chặn những hành vi vi phạm an toàn trong phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tham gia tiêm chủng đầy đủ khi có vắc xin, không được chờ đợi, lựa chọn vắc xin; sẵn sàng tham gia các lực lượng phòng, chống dịch khi có yêu cầu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/347006-xa-phuong-thi-tran-thuc-hien-tot-vai-tro-la-phao-dai-trong-phong-chong-dich