Xã Quý Lộc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi; đồng thời, định hướng cho người dân phương thức sản xuất mới hiện đại, hiệu quả và bền vững, những năm gần đây, xã Quý Lộc (Yên Định) đã tập trung thực hiện tích tụ, tập trung đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư phát triển kinh tế trang trại tập trung quy mô lớn.
Trang trại chăn nuôi gà liên kết tại thôn 3, xã Quý Lộc (Yên Định).
Những năm trước đây, trang trại chăn nuôi gà của anh Trịnh Đình Đồng, thôn 3, xã Quý Lộc chỉ duy trì đàn từ 1.000 - 1.500 con gà/lứa; nhưng từ năm 2018 trở lại đây, được sự tư vấn và hỗ trợ của các đơn vị chuyên môn; anh được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Sau khi có được nguồn vốn vay, anh đã đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại hơn 3.500m2, nuôi từ 10.000 - 12.000 con gà/lứa. Anh chia sẻ: Hiện gia đình đang nuôi 2.000 giống gà lai chọi để cung cấp cho một số nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện và 10.000 con gà lông màu liên kết với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam. Việc đầu tư xây dựng trang trại quy mô lớn và tham gia liên kết chăn nuôi với các doanh nghiệp lớn, gia đình được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến hiện đại nên tỷ lệ khấu hao giảm, giá trị kinh tế được bảo đảm. Tổng thu nhập năm 2020 của gia đình đạt 3,2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 450 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển chăn nuôi gia cầm, Nhân dân trên địa bàn xã Quý Lộc còn phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức tập trung. Theo thống kê của UBND xã, toàn xã có 26 hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 200 con/lứa trở lên, lợi nhuận bình quân đạt 1 tỷ đồng/hộ/năm. Trong đó, tiêu biểu, như: hộ ông Trịnh Đình Sơn, thôn 1 phát triển trang trại lợn tập trung quy mô 260 lợn nái và lợn thịt đạt lợi nhuận hơn 1,3 tỷ đồng/năm; hộ ông Lê Ngọc Kim, thôn 7 phát triển trang trại lợn quy mô hơn 350 con lợn thịt/lứa, lợi nhuận khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm... Điểm đáng chú ý trong phát triển trang trại chăn nuôi lợn theo hướng tập trung quy mô trang trại trên địa bàn xã Quý Lộc, chính là người chăn nuôi luôn chú trọng bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh và xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi; thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng theo đúng hướng dẫn của cán bộ thú y.
Nhờ sự khuyến khích hỗ trợ và kích cầu của tỉnh, huyện, trên địa bàn xã đã có 198 trang trại, trong đó có 57 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trang trại, gia trại phát triển đã góp phần quan trọng duy trì, phát triển đàn gia súc, gia cầm và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, xã luôn thực hiện có hiệu quả công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Qua đó, năm 2020, doanh thu từ chăn nuôi đạt 169,92 tỷ đồng, chiếm 72% tổng giá trị ngành nông nghiệp toàn xã.
Đồng chí Trịnh Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Để định hướng người dân phát triển sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, UBND xã khuyến khích các hộ dân nhận thầu đất xây dựng trang trại trong cụm trang trại chăn nuôi tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng trang trại. Đồng thời, định hướng, tuyên truyền các hộ xây dựng trang trại theo mô hình chăn nuôi liên kết bao tiêu sản phẩm để đảm bảo phát triển bền vững và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi cho người dân. Ngoài ra, xã còn thực hiện liên kết với cơ quan, đơn vị chuyên môn để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm mở rộng sản xuất, chăn nuôi cũng như tăng năng suất và chất lượng sản phẩm...
Thực tế sản xuất cho thấy, việc đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại đã và đang là hướng đi giúp người dân trên địa bàn xã Quý Lộc nâng cao thu nhập. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 60,5 triệu đồng/năm, tăng 10,3% so với năm 2019.