Xã Sơn Thái: Thêm tình trạng lấn sông, xây dựng trên đất rừng
Trong những ngày tìm hiểu về tình trạng khai thác cát trái phép ở xã Sơn Thái (huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi còn phát hiện tình trạng xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất, san lấp lấn sông Trang tại địa phương này. Mặc dù chính quyền địa phương biết sự việc nhưng chưa xử lý triệt để.
Biến đất rừng sản xuất thành… homestay
Men theo con đường bê tông vào thôn Giang Biên (xã Sơn Thái), xuyên qua những rừng keo xanh tốt, bạt ngàn, chúng tôi phát hiện một quả đồi bị cạo trọc. Thay vào đó là một công trình đang thi công cấp tập. Xung quanh quả đồi này, chủ đất đã cho xây dựng bức tường bao bọc kiên cố. Một người dân ở đây cho biết: “Trước đây, quả đồi này được người dân trồng keo xanh tốt. Khoảng hơn 1 năm nay, cây keo đã bị chặt, rồi xây lên bức tường kiên cố; máy móc cũng được đưa vào đào múc, san lấp, xây dựng công trình. Nghe đâu, người ở TP. Hồ Chí Minh ra đây mua lại đất của dân địa phương để xây dựng homestay kinh doanh”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất này thuộc đất rừng sản xuất, có diện tích khoảng 4ha. Bên trong khu đất đã được san bằng, tập kết nhiều vật liệu xây dựng, như: Gạch, đá, sắt thép. Tại đây đã xây dựng 3 căn nhà mái tôn; có một số thùng container cũ làm nơi sinh hoạt, ăn nghỉ cho công nhân xây dựng. Bên cạnh đó, mặt nền của khu đất đã trải cát, sỏi và tạo thành đường đi nội bộ. Điều người dân bất bình là toàn bộ diện tích đất ở đây thuộc đất rừng sản xuất, nhưng không hiểu sao hoạt động xây dựng diễn ra công khai mà không bị xử lý. Người dân lo ngại công trình này xây được thì công trình khác cũng sẽ mọc lên.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Hữu - Chủ tịch UBND xã Sơn Thái cho biết: “Khu đất này là đất rừng sản xuất, có diện tích khoảng 4ha của ông Vi (ở TP. Hồ Chí Minh). Trước đây, khu đất này được họ trồng keo. Thời gian qua, ông Vi có lên xã trình bày xin phép để xây dựng homestay. Thấy việc làm của ông Vi phù hợp với định hướng phát triển du lịch địa phương nên xã đã tạo điều kiện cho ông này xây tường để bảo vệ đất. Còn thực tế, ông Vi vẫn chưa xây dựng gì nhiều trên khu đất này”. Khi chúng tôi hỏi, đất rừng sản xuất có được phép xây dựng công trình tường rào kiên cố hay không? Ông Hữu lý giải: “Trước đây, trên địa bàn cũng có một trường hợp xây tường rào trên đất rừng sản xuất. Khi địa phương báo cáo UBND huyện cùng ngành chức năng vào kiểm tra thì thống nhất để cho họ xây tường bảo vệ đất. Chính vì vậy, trường hợp của ông Vi xây tường rào địa phương cũng tạo điều kiện cho ông này xây mà không có giấy phép xây dựng. Trước khi xây, ông Vi có làm việc với xã, đích thân tôi đã trao đổi rõ là đất rừng sản xuất chưa đủ điều kiện, cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì vậy, xã chỉ đồng ý cho ông xây tường rào. Chờ khi nào ông hoàn tất các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mới tiến hành xây dựng các công trình khác trên đất”.
Cổng vào được xây dựng kiên cố.
San lấp lấn sông Trang
Ngược về thôn Bố Lang (xã Sơn Thái), ngay khu vực bờ sông Trang, chúng tôi còn phát hiện tình trạng người dân công khai cho máy móc đào múc đất cát dưới lòng sông để đắp bờ, san đất lấn ra sông với diện tích khá lớn. Một người dân ở đây cho biết: “Hoạt động lấn sông diễn ra đã khá lâu. Lợi dụng thời điểm lạch sông Trang cạn nước, một phần diện tích bãi hoang nên một số hộ dân tự ý đổ đất đá lấn sông. Cả một khu vực sông rộng mà họ dùng máy móc đào bới, đắp bờ, múc đất cát từ dưới lòng sông để san lấp tạo mặt bằng và trồng cây chiếm giữ. Đất lấn ra sông đến đâu thì họ dùng đá xếp tạo thành bờ kè đến đó để bảo vệ, khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp”.
Khu vực máy múc san lấp, lấn sông Trang.
Điều đáng nói, hoạt động này diễn ra ngay cạnh khu vực đang được UBND xã Sơn Thái xây dựng công trình kè bờ sông Trang để chống sạt lở cho khu dân cư. Điều người dân bức xúc là hoạt động san lấp sông Trang diễn ra khá lâu nhưng chính quyền địa phương lại không xử lý.
Về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Hữu cho biết: “Trường hợp lấn sông Trang là hộ ông Thắng. Hiện trạng đất mà ông này lấn trước đây là đất canh tác của người dân trên địa bàn, nhưng do mưa lũ, nước sông gây xói mòn, sạt lở. Do vậy, thời gian qua, ông Thắng đã lợi dụng khi nước sông cạn, tự ý san lấp, lấn phần đất nước sông cuốn trôi. Chúng tôi nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu ông Thắng không được san lấp lấn sông; thậm chí mời lên xã làm việc, nhưng ông Thắng vẫn không chấp hành. Xã chưa báo cáo vụ việc cho UBND huyện và cũng chưa lập biên bản hiện trường đình chỉ hoạt động lấn sông của ông Thắng. Thời gian tới, xã sẽ cho lập biên bản hiện trường để chấm dứt tình trạng lấn sông của ông này. Đồng thời, địa phương sẽ tiếp tục xây bờ kè sông Trang theo hiện trạng chứ không bao quanh theo phần đất mà ông Thắng đã lấn ra sông”.