Xã Tân Vinh giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Xã Tân Vinh (Lương Sơn) là một trong những địa phương có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh của huyện. Thông qua lời ca, điệu múa đã góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mường đem lại sức sống mới trong đời sống tinh thần cho người dân, góp phần quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới.

Đội chiêng của xã Tân Vinh (Lương Sơn) tích cực tập luyện để tham gia biểu diễn tại các ngày lễ lớn trên địa bàn.

Đội chiêng của xã Tân Vinh (Lương Sơn) tích cực tập luyện để tham gia biểu diễn tại các ngày lễ lớn trên địa bàn.

Chị Phùng Thị Kim Thùy, cán bộ văn hóa xã Tân Vinh chia sẻ: Xã có 85% dân số là người Mường. Văn hóa của người Mường độc đáo, đa dạng. Chính vì vậy, trong thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Tân Vinh quan tâm đặc biệt tới việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua phong trào văn nghệ quần chúng. Toàn xã có 6 đội văn nghệ quần chúng và 1 đội văn nghệ của UBND xã. Mỗi đội có từ 15 - 25 diễn viên quần chúng. Xuất phát từ đam mê với ca hát, các thành viên trong đội tự nguyện đóng góp tiền để hoạt động. Những bài ca, điệu múa do chính các thành viên tự dàn dựng và biểu diễn tại các ngày kỷ niệm lớn như: Tết Nguyên đán, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Quốc khánh 2/9…

Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, cấp ủy, chính quyền xã Tân Vinh chủ trương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân cùng tham gia bảo tồn chiêng Mường. Hàng năm, UBND xã tổ chức kiểm kê số lượng chiêng có trong các hộ dân. Hiện nay, toàn xã có 12 chiếc chiêng cổ và 72 chiếc chiêng thường. Mỗi xóm thành lập được 1 câu lạc bộ chiêng, trong đó xóm Đồng Chúi và xóm Đồng Tiến là 2 xóm có số lượng chiêng và nhiều nghệ nhân chiêng nhất xã. Toàn xã có 30 nghệ nhân chiêng. Các nghệ nhân chiêng chính là những người truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ. Đây cũng là lực lượng nòng cốt của xã tham gia các chương trình tấu chiêng tại các sự kiện lớn do huyện Lương Sơn tổ chức. Hàng năm, UBND xã cử đội trưởng đội văn nghệ các xóm đi tập huấn về kỹ năng đánh chiêng do Phòng VH-TT huyện tổ chức. Kết thúc khóa tập huấn, đội trưởng sẽ hướng dẫn kỹ năng đánh chiêng cho thế hệ trẻ của xóm.

Bên cạnh việc bảo tồn chiêng Mường, người dân xã Tân Vinh luôn có ý thức giữ gìn những làn điệu dân ca, hát Sắc bùa, Bộ mẹng, ví Đúm và một số điệu múa dân gian của người Mường. Những bài hát, điệu múa do đội văn nghệ dàn dựng và biểu diễn thực sự hấp dẫn và thu hút đông quần chúng nhân dân. Nội dung, hình thức biểu diễn của các tiết mục văn nghệ có sự sáng tạo, phản ánh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; ca ngợi sự đổi thay của quê hương…

Tình yêu tha thiết với văn hóa Mường cùng sự sáng tạo trong cách thể hiện đã đem lại nhiều thành công trong phong trào văn nghệ quần chúng của xã. Năm 2018, xã Tân Vinh tham gia Hội thi tuyên truyền cổ động huyện đoạt giải A toàn đoàn cụm vùng huyện; năm 2019, đoạt giải nhì toàn đoàn Hội thi "Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững” huyện Lương Sơn...

Phong trào văn nghệ quần chúng không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị ở địa phương mà còn là nơi truyền thụ những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc cho thế hệ trẻ. Chị Đinh Thị Huệ, thành viên đội văn nghệ của UBND xã chia sẻ: Là một thành viên trẻ tuổi trong đội văn nghệ của UBND xã, tôi luôn nỗ lực tập luyện các làn điệu dân ca và cách đánh chiêng Mường. Lúc đầu, chị em chúng tôi đánh chiêng còn chưa chính xác, nhiều người còn không biết cách cầm chiêng. Dần dần được các bác, các chị truyền dạy, mọi người ai cũng đánh được chiêng thuần thục và thể hiện được âm hưởng của chiêng. Việc tìm hiểu và tập luyện các tiết mục dân gian giúp chị em chúng tôi hiểu hơn về giá trị văn hóa dân tộc Mường.

Thu Thủy

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/131695/xa-tan-vinh-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-muong.htm