Xã Thạch Yên tập trung giải quyết những phát sinh sau sáp nhập
Xã Thạch Yên (Cao Phong) được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 22,77 km2 diện tích tự nhiên, 2.184 người của xã Yên Lập và toàn bộ 17,24 km2 diện tích tự nhiên, 2.490 người của xã Yên Thượng. Sau khi thành lập, xã Thạch Yên có 40,01 km2 diện tích tự nhiên; quy mô dân số 4.674 người, phân bố ở 12 xóm. Ngay sau khi sáp nhập, dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện Cao Phong, cấp ủy, chính quyền xã Thạch Yên tập trung giải quyết những vấn đề phát sinh sau sáp nhập như: lựa chọn trụ sở làm việc của UBND xã, giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân; sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập…
Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Sau khi sáp nhập, ngày 20/1, Huyện ủy Cao Phong đã công bố quyết định thành lập Đảng bộ xã Thạch Yên và chỉ định BCH Đảng bộ, BTV Đảng ủy, chức danh bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã. Đảng bộ xã gồm 18 chi bộ, 393 đảng viên, trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ xã Yên Thượng và Đảng bộ xã Yên Lập. Sau khi thành lập Đảng bộ, bộ máy tổ chức của xã được sắp xếp, kiện toàn ổn định. Đảng ủy, chính quyền xã xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức xã. Cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của năm 2020. Đặc biệt, ngày mồng 5 Tết Canh Tý, chính quyền xã Thạch Yên đã tổ chức lễ hội chùa Khánh. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng đối với đời sống tinh thần người dân Thạch Yên.
Sau khi sáp nhập, nhiều vấn đề phát sinh cần giải quyết để ổn định tâm lý người dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CB, CC, VC, NLĐ) trong đó. Trụ sở làm việc mới được chính quyền xã lựa chọn theo chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện, được đưa ra bàn, lấy ý kiến tại cuộc họp lần thứ hứ nhất BCH Đảng bộ xã và lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tại các cuộc họp xóm. Trên cơ sở các tiêu chí cùng sự đồng thuận của cán bộ, nhân dân, trụ sở UBND xã Yên Thượng (cũ) được lựa chọn làm trụ sở UBND xã Thạch Yên. Hiện tại, tất cả CB, CC, VC, NLĐ đã chuyển tới làm việc tại trụ sở mới. Xã đã có con dấu nên các thủ tục hành chính của người dân được giải quyết nhanh chóng theo đúng quy định của Nhà nước.
Ông Bùi Văn Lộc, Trưởng xóm Trầm chia sẻ: Xóm Trầm thuộc xã Yên Lập, sau khi sáp nhập là xóm xa trung tâm xã Thạch Yên nhất, khoảng 9 km. Hiện xóm có 118 hộ, tất cả các hộ dân đều ủng hộ việc lựa chọn trụ sở làm việc mới của xã Thạch Yên là UBND xã Yên Thượng (cũ). Theo đánh giá của người dân xóm tôi, khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính tại trụ sở xã mới được cán bộ tiếp đón nhiệt tình, thủ tục được giải quyết nhanh gọn, không phải chờ đợi.
Công tác sắp xếp, bố trí cán bộ cũng là vấn đề trọng tâm, là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Việc xây dựng phương án, thực hiện các chính sách giải quyết đối với cán bộ dôi dư sau sáp nhập là bài toán khó giải quyết, nhất là liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như ngân sách, BHXH, BHYT.
Sau khi sáp nhập, xã Thạch Yên có tổng số 38 CB, CC, VC, NLĐ, tuy nhiên, theo quy định chỉ có 21 CB, CC, VC, NLĐ được bố trí, sắp xếp vị trí việc làm trong bộ máy tổ chức, như vậy, xã dôi dư 17 người. Để giải quyết số cán bộ dôi dư, cấp ủy, chính quyền xã đã thực hiện một số giải pháp: vận động một số cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; kiểm tra, rà soát bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, đã có 2 cán bộ xin nghỉ hưu theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Nghị định số 26/2015/NĐ-CP. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã quan tâm giải quyết các chế độ, chính sách cho CB, CC, VC, NLĐ. Đối với số lượng cán bộ dôi dư còn lại, cấp ủy, chính quyền xã chờ UBND huyện bố trí, sắp xếp.